Đang lúc giá tiêu rẻ, chỉ 50.000 - 60.000đồng/kg (thấp hơn các năm về trước 3 - 4 lần), mà thương lái mua 20.000 - 30.000 đồng/kg rễ tươi và 80.000 - 90.000đồng/kg rễ khô, nên nhiều nông dân phá vườn tiêu, bán rễ tiêu cho thương lái. Thiệt hại về phía người nông dân không nhỏ, khi phải bỏ cả công lẫn của trong suốt 2 - 3 năm ròng để chăm sóc cây tiêu đến khi trưởng thành cho trái. Đó là chưa nói: người nông dân rất dễ dàng lọt vào cái bẫy thu mua những sản phẩm dị biệt này.
Trước đó, các thương lái đã thu gom nhiều rễ tiêu với giá rất rẻ, rồi tung tin thu mua giá cao, để khi “người người bán rễ tiêu, nhà nhà bán rễ tiêu”, tạo ra cơn sốt giá, thì chính những thương lái đầu cơ đã mua gom rễ tiêu giá rẻ trước đó sẽ thu lợi rất lớn khi bán ra cho những tiểu thương mua gom hàng để bán lại. Sau đó, những kẻ tung tin thu mua rễ tiêu giá cao biến mất.
Không chỉ thu mua rễ cây tiêu, cạm bẫy thu mua những sản phẩm dị biệt đã từng xuất hiện ở nông thôn từ nhiều năm trước. Vẫn với chiêu lừa “bổn cũ soạn lại”, những kẻ xấu đã từng gây thiệt hại cho nông dân và những người mua đi bán lại với chiêu thu mua ốc bươu vàng, móng trâu, đĩa, lá điều khô, cau non, cam non, hoa thanh long non, lá khoai lang non… Với chiêu lừa này, chẳng những giới tiểu thương gom hàng phải trắng tay mà nông dân cũng tự giết mình khi chặt phá cây trồng, nuôi sinh vật có hại, để rồi không còn sản phẩm đúng thời vụ để bán. Thiệt hại trăm bề từ người nông dân đến tiểu thương, làm ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế đất nước. Tất nhiên lợi nhuận từ A tới Z sẽ vào túi bọn thương lái đầu cơ.
Vì sao chiêu lừa cũ rích này cứ diễn đi diễn lại mà một bộ phận nông dân và tiểu thương nước ta cứ bị mắc lừa? Không còn nguyên nhân nào khác hơn khi lý giải rằng họ thiếu thông tin nên dễ mất cảnh giác, tối mắt trước món lợi lớn tức thời, trong khi sản phẩm làm ra giá cả cứ ba chìm bảy nổi. Khách quan là do ngành nông nghiệp nhiều địa phương cứ loay hoay chưa thể định hướng cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, nuôi và trồng trên bao nhiêu diện tích trong thời kinh tế thị trường giá cả sản phẩm làm ra tùy thuộc nhiều vào sức cung cầu.
Ngành nông nghiệp các địa phương cần phải nâng cao hơn nữa vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình bằng cách chủ động liên kết với doanh nghiệp, công ty nông sản trong, ngoài địa phương. Từ đó quy hoạch cụ thể, sát sao với nhu cầu tiêu thụ để thông tin, hướng dẫn cho người nông dân, giúp họ an tâm sản xuất mà không phá vỡ quy hoạch một cách tự phát do tâm lý “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào”. Song song đó cũng cần phối hợp nhiều ban ngành, đoàn thể cấp huyện, xã, theo dõi tình hình, chỉ rõ những mánh khóe của bọn thương lái đầu cơ, để nông dân đề cao cảnh giác, không bị mắc lừa bọn chúng.
Tú Nguyên (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)