dd/mm/yyyy

Cần bảo hiểm cho sản xuất quy mô lớn

Để BHNN triển khai thành công, nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần mở rộng ra những đối tượng là chủ trang trại, nông dân sản xuất lớn và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn.

BHNN cần mở rộng đối tượng ra cho những đối tượng chủ trang trại, những nông dân sản xuất lớn (Ảnh TL)

Chính sách cần thiết và đúng đắn

Trong giai đoạn 2011 – 2013, chương trình thí điểm BHNN được triển khai tại 21 tỉnh nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra. Ông Tăng Minh Lộc – nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) từng đánh giá, qua 3 năm triển khai thí điểm BHNN,kết quả cho thấy đây là một chính sách lớn, cần thiết và hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Thông qua chương trình đã góp phần tăng cường nhận thức của các cơ quan rung ương, địa phương và người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của BHNN.

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực BHNN, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long đang phát triển các sản phẩm bảo hiểm cho nhiều đối tượng cây trồng - vật nuôi như cây cao su, bò sữa, bò thịt, thủy sản… Ông Phan Quốc Dũng - Tổng Giám đốc chia sẻ: “Làm nông nghiệp có rất nhiều rủi ro, đặc biệt là các rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, chính vì vậy việc tham gia bảo hiểm là rất cần thiếu đối với bà con nông dân. Trên cơ sở đó, khi xây dựng chương trình BHNNchúng tôi đã xác định xây dựng những chính sách bảo vệ tốt nhất cho người nông dân, đó là ưu tiên hàng đầu”.

BHNN giúp nông dân, chủ trang trại yên tâm sản xuất (Ảnh TL)

Đánh giá tác dụng của các gói bảo hiểm đối với người nông dân, ông Dũng cho hay: “Các gói bảo hiểm có tác dụng rất tốt trong việc giúp nông dân, chủ trang trại yên tâm sản xuất. Từ lúc nông dân mua giống về, trong quá trình vận chuyển hoặc trong quá trình nuôi, vật nuôi hay cây trồng bị chết do thiên tai, chúng tôi sẽ chi trả bảo hiểm cho bà con, vì vậyhọ rất tin tưởng vào chính sách này”.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia

Ông Tăng Minh Lộc cũng cho rằng: “Trong điều kiện diễn biến khí hậu ngày càng bất thường, có tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, việc tiếp tục triển khai BHNN là cần thiết, cấp thiết và cần có chính sách khuyến khích người sản xuất nông nghiệp tham gia mua BHNN. Bảo hiểm đối với nông dân rất quan trọng và cần thiết, chẳng khác nào việc chúng ta đi cầu thang mà có tay vịn.Có tay vịn, ai cũng yên tâm bước tới. Tương tự như thế, khi chúng ta định hướng người dân trồng một loại cây trồng nào đó, nếu có bảo hiểm theo sau thì bà con sẽ yên tâm triển khai, bởi nếu hỏng sẽ được đền bù”.

Doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc khi nhà nước có nhiều chính sách thông thoáng trong BHNN. (Ảnh TL)

“Với một nền kinh tế đang phát triển, việc bảo hiểm cho người tham gia sản xuất là rất cần thiết. Điều này còn thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ đối với phát triển nông nghiệp và đặc biệt quan tâm đến người sản xuất, người nông dân mà từ trước tới nay họ vẫn là những người yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi”.
TS. Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

Cũng theo ông Lộc, khi nông dân muốn tham gia bảo hiểm, họ phải cam kết sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, để khi gặp phải rủi ro, bị thiệt hại thì nông dân mới được bảo hiểm, thậm chí bảo hiểm 100% giá trị sản phẩm. “Thời điểm tổng kết đợt thí điểm thực hiện BHNN, nhiều địa phương đã kiến nghị triển khai nhân rộng vì nhận thấy những lợi ích mà BHNN đem lại đối với sản xuất nông nghiệp, cho người nông dân. Trong đợt thí điểm, đối tượng bảo hiểm hướng đến là nông dân nghèo, nhưng để thành công cần mở rộng đối tượng ra những chủ trang trại, những nông dân sản xuất lớn và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó,BHNN không chỉ Nhà nước làm mới tốt, mà cần có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp. Có nơi doanh nghiệp trực tiếp triển khai chính sách bảo hiểm với nông dân rất hiệu quả, thu hút đông đảo người tham gia như Công ty CPGiống bò sữa Mộc Châu (tỉnh Sơn La)” – ông Lộc nói thêm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Quốc Dũng cho rằng: “Chúng tôi gọi BHNN là bảo hiểm nông nghiệp và thực phẩm, bởi vì ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Quy mô ngành nông nghiệp rất lớn, rất nhiều sản phẩm, nên để triển khai thành công, chúng tôi đã nghiên cứu các mô hình BHNN của các nước như Thái Lan, Trung Quốc… Điểm chung là họ bảo hiểm cho rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, chúng tôi cũng hướng tới điều đó để làm thế nào có thể bảo hiểm được tất cả các sản phẩm từ vật nuôi, cây trồng, thủy sản và từ khâu sản xuất cho đến chế biến, tiêu thụ”.

Đình Thắng