13 giờ ngày 23/2, vợ chồng chị N. (ở một khu đô thị trên địa bàn Hà Nội) nhập cảnh từ Hàn Quốc vào Việt Nam trên chuyến bay từ TP. Busan đến sân bay Nội Bài (Hà Nội). Nhà chị N. ở Gumi, tỉnh Kyung Sangbuk (cách thành phố Daegu hơn 70km), nhưng chẳng biết bằng cách nào, vợ chồng chị (chị là người Việt Nam-PV) bị "vu" là đến từ tâm dịch Daegu. Thế là cách ly.
Ngày 1. Thông tin căn phòng ở một tầng trong khu chung cư có người đến từ tâm dịch Daegu (Hàn Quốc) tràn ngập trên zalo (nhóm kín), khiến cả khu như náo loạn. Nhà tính sơ tán đi nơi khác, nhà tính phải "đuổi" những người đó về khu cách ly tập trung. Rồi những thông tin như, những người đến từ căn hộ đó vẫn đi siêu thị, vẫn dẫn con cái đi chơi cười nói hô hố, càng khiến cư dân ở đây hoang mang, lo lắng.
Ngày 2. Hoang mang, lo lắng là điều không ai tránh khỏi, vì đó là quyền, là sự an nguy của mỗi người và chỉ đến khi người đại diện của cư dân tòa nhà "add" người vợ vào nhóm, mọi việc thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Ngay sau khi được add vào nhóm, lời đầu tiên mà chị N. gửi đến cư dân, đó là 2 từ: Xin lỗi. Bởi theo lời chị N., vì việc của vợ chồng chị đến từ Gumi, một địa điểm cách xa tâm dịch virus corona 70km, mà cư dân cả tòa nhà hoang mang, lo lắng.
"Công việc bọn em vẫn liên lạc với công ty làm thường xuyên. Bản thân hai vợ chồng em về phép thăm bố mẹ ở Hàn Quốc, bản thân lúc nào cũng ý thức bảo vệ mình. Bọn em cũng có tâm lý đón nhận việc tự cách ly ở nhà rất thoải mái theo hướng tích cực. Đặc thù công việc em là phiên dịch. Chồng em cũng làm xa. Hai vợ chồng sáng 6 giờ 20 đi làm tối 7,8 hoặc 9h mới về..."- chị N. nói những lời chia sẻ từ khi bị "cách ly".
Ngày 3. Theo chị N. , nỗi khổ tâm lớn nhất của chị là kể từ khi nhập cảnh trở lại Việt Nam, mọi người đồn đoán về "căn nhà" ở của chị rất nhiều, người thì bảo vợ chồng chị về từ Daegu có con cái vẫn đi siêu thị cười nói bình thường. Mặc dù sau đó, chị có khẳng định, 2 vợ chồng chị chưa có con.
Tuy nhiên, điều mà chị N. cảm thấy "vui" nhất trong những ngày bị cách ly, đó là vợ chồng chị được ở gần nhau thường xuyên. Chị bảo, đó là cả "10 ngày chủ nhật" của bọn em, bởi bình thường hai vợ chồng đi làm triền miên bận, rất ít khi được ở nhà và ở nhà cùng nhau như thế. Chị N. bảo, giờ ai cũng nhắc đến căn nhà của chị ở (thực chất là vợ chồng chị đang đi thuê), nên cứ gọi điện cho chủ nhà để gây áp lực, khiến vợ chồng chị cũng cảm thấy ngại với chị chủ nhà.
Ngày 4. Áp lực thực sự của chị N., đó là những thông tin đồn đoán về căn nhà bị cách ly của chị ngày càng nhiều, có nhiều ý kiến thậm chí còn tính tới phương án in băng rôn cảnh báo, thậm chí đuổi nhà chị khỏi khu ở. "Em cũng được nghe nói lại vậy. Thực sự, vợ chồng em hiện vẫn rất khỏe mạnh, bình thường và em cũng hiểu được sự lo lắng của mọi người, nên rất hợp tác để tự cách ly". Chị N. sau đó đã đăng lên nhóm lời xin lỗi của vợ chồng chị và mong muốn mọi người thông cảm, sau sự việc này sẽ có thời gian làm quen với nhau.
Theo chị N, hiện vợ chồng chị đã đặt mua một căn hộ chung cư cao cấp ở khu khác và sau này sẽ chuyển tới đó để ở, điều chị lo lắng là sau sự việc "cách ly" lần này có thể ảnh hưởng tới chủ hộ trong việc cho thuê, kinh doanh căn hộ sau này. Điều chị cảm thấy tiếc vì không có thời gian nói chuyện, giao lưu với mọi người được nhiều, bản thân chị cũng không có cơ hội để gặp hàng xóm, nên không biết chia sẻ thế nào.
Ngày 5. Theo Ban đại diện của Cư dân ở đây, kể từ khi các hộ trong diện bị cách ly tại nhà, lực lượng công an và y tế thường xuyên đến kiểm tra sức khỏe, nhiệt độ của các hộ mỗi ngày 2 lần; Ban quản lý tòa nhà cũng bố trí bảo vệ, bố trí giám sát bằng camera 24/24 giờ và cho đến nay tất cả các trường hợp vẫn khỏe mạnh, bình thường, hợp tác tốt với cơ quan chức năng. Rác thải của các hộ được phân loại cẩn thận, có xử lý riêng.
"Cách ly". Bản thân 2 từ đó đã gợi cho nhiều người trong chúng ta cảm giác lo lắng, thậm chí hoang mang về dịch virus corona (covid-19). Đó là biện pháp cẩn trọng, đúng hướng của Chính phủ Việt Nam với đúng phương châm "phát hiện sớm, cách ly sớm" nhằm ngăn chặn ngay từ đầu nguồn lây lan dịch bệnh. Song không phải ai bị "cách ly" cũng có nghĩa là đã bị nghi nhiễm hoặc nhiễm virus corona, bởi cơ quan chức năng đã phân loại và phòng ngừa từng trường hợp, nên những trường hợp bị "cách ly tại nhà" là những trường hợp có nguy cơ nghi nhiễm hoặc nhiễm thấp nhất.
Chúng ta cứ hãy tưởng tượng ngay trên chính đất nước mình, vừa rồi mọi người đều e sợ hai từ "Vĩnh Phúc"- nơi phát hiện 11 ca dương tính với virus corona, dẫn tới sự kỳ thị thậm chí xa lánh người dân Vĩnh Phúc. Song thực ra, 11 ca bệnh kể trên đều đến từ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên và chính quyền địa phương đã tiến hành cách ly toàn bộ thôn Sơn Lôi, còn ở các địa điểm khác, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Điều đó có nghĩa là, người ở TP. Vĩnh Yên hay Tam Đảo sẽ khác- không phải ở tâm dịch. Cũng như ở TP. Daegu vậy, không phải ai đến từ đây cũng là tâm dịch...
Ngày 6,7,... rồi sẽ đến ngày 14. Mọi việc rồi sẽ diễn ra trong "thì hiện tại tiếp diễn" và "thì hiện tại tương lai", nhưng kể từ khi nhận được thông tin đầy đủ về những căn hộ bị cách ly, tâm lý của người dân ở nơi đây đã trở lại bình thường hơn, mọi người vẫn nhắc nhau cách tự phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang mỗi khi vào thang máy, vệ sinh cơ thể, sát khuẩn, rửa tay thường xuyên và đợi đến hết 14 ngày cách ly để "tất cả cùng vui".