dd/mm/yyyy

Bỏ 'lý thuyết chay', nông dân tập huấn tại hiện trường

Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, tập huấn kiến thức cho nông dân, đáp ứng chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã đẩy mạnh tập huấn tại hiện trường.

Lớp tập huấn “mắt thấy, tai nghe, tay làm”

Lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi trùn quế tổ chức tại thị trấn Phú Thứ cho 30 nông dân các địa phương xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông và thị trấn Phú Thứ tổ chức vào cuối tháng 6/2019 được thực hiện theo phương châm trên.

Với thời gian tập huấn 3 ngày (6 buổi), Trung tâm đã thiết kế chương trình giảng dạy với 1 buổi học lý thuyết tại hội trường, 3 buổi thực hành các nội dung kỹ thuật nuôi trùn quế, 1 buổi đi tham quan thực tế mô hình tại xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) và 1 buổi thảo luận nhóm, tổng kết lớp.

Học viên thực hành kỹ thuật nuôi trùn quế.
Học viên thực hành kỹ thuật nuôi trùn quế.

Cách thiết kế chương trình tập huấn trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, học viên không chỉ được học lý thuyết, được tự tay thực hành các kỹ thuật học, được trực tiếp đi xem mô hình sản xuất có hiệu quả và trao đổi thảo luận với nhau để nắm vững kiến thức hơn.

Ông Phạm Ngọc Trà, khu phố Mỹ Lệ Tây, thị trấn Phú Thứ chia sẻ: “Lớp tập huấn này quá hay, nông dân được trực tiếp thực hành kỹ thuật nuôi trùn quế, học lý thuyết xong là thực hành liền

Kỹ sư chăn nuôi Lê Thị Duy Đính, giảng viên tại lớp hướng dẫn kỹ thuật ủ chua thực ăn, phối trộn thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi bò cho biết: “Với phương pháp tập huấn tại hiện trường, giảng viên vất vả hơn nhưng lại cho hiệu quả rất cao. Bà con nông dân tham dự nhiệt tình, tiếp thu tốt hơn, trao đổi, thảo luận sôi nổi hơn so với các tập huấn truyền thống trước đây. Cũng nhờ phương pháp tập huấn này mà cán bộ khuyến nông được gần gũi nông dân hơn, có thời gian trao đổi và tư vấn thêm cho họ những kiến thức, kĩ thuật họ cần. Học viên tại các địa phương có dịp trao đổi kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau”.

nên ai ai cũng biết cách làm. Rồi còn được đi tham quan mô hình nữa chứ… Nông dân học qua lớp này ai cũng thích!”.

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết: “Cách tập huấn như trên sẽ được phổ biến, chủ đạo trong thời gian tới. Quan điểm của lãnh đạo Trung tâm là giảm dần các lớp tập huấn mang tính chất lý thuyết, tăng cường các lớp tập huấn mang tính thực hành tại hiện trường”.

Để học viên tại các lớp tập huấn có thể tự tay thực hành các nội dung học lý thuyết, Trung tâm đã đầu tư kinh phí để mua các vật tư cần thiết phục vụ các lớp tập huấn. Như tại lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật ủ chua thực ăn, phối trộn thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi bò, vật tư tập huấn gồm túi nilon lớn để đựng cỏ ủ chua, máy thái cỏ, cỏ tươi, bột ngô, cám gạo, rỉ mật, premix khoáng…

Lớp học chia ra thành từng tổ để thực hành các nội dung tập huấn. Kết thúc khóa tập huấn, các sản phẩm do các tổ thực hành sẽ được đem ra trình bày, chấm điểm và cho bò ăn ngay thực tế.

Với cách làm này, học viên rất phấn khởi, thích thú vì ngoài việc học lý thuyết còn tự tay thực hành các nội dung đã học, biết ngay cách làm khác với các lớp tập huấn “lý thuyết chay” như trước đây.

Nông dân giảng giải cho nông dân

Để nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy tại các lớp tập huấn tại hiện trường, với tính chất lớp học chủ yếu là thực hành nên ngoài việc cử cán bộ của Trung tâm làm giảng viên giảng phần lý thuyết, Trung tâm còn liên hệ với các nông dân sản xuất giỏi, có kinh nghiệm thực tế để hướng dẫn thực hành.

Hướng dẫn viên là nông dân sản xuất giỏi, chủ trang trại có ưu điểm là nắm vững kỹ thuật, nhiều kinh nghiệm do đã trải qua thực tế, nếu biết tận dụng, sắp xếp chương trình giảng dạy hợp lý sẽ giúp họ nhiệt tình, sẵn sàng trình bày hết kinh nghiệm của mình và do cách “nông dân hướng dẫn cho nông dân” nên họ không giấu nghề đối với các học viên.

Khi được Trung tâm mời tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi trùn quế, ông Huỳnh Văn Tỷ, thôn Mỹ Phú, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa là chủ trang trại nuôi trùn quế buổi đầu đứng lớp còn ngại ngùng do chưa quen. Nhưng sau khi gặp gỡ, trao đổi với học viên ông đã nhiệt tình hướng dẫn các khâu nuôi trùn quế. Thậm chí ông còn nhiệt tình cam kết thu mua sản phẩm phân trùn và hứa hàng tuần sẽ đến thăm mô hình do lớp học xây dựng và đến tận nhà để hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các học viên lớp học có nhu cầu.

Với hiệu quả thấy rõ của phương pháp tập huấn tại hiện trường, trong chương trình năm 2019, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tổ chức 9 lớp tập huấn với các chủ đề có liên quan đến sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng các lớp này trong thời gian tới.

Phạm Minh Nhật - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên