dd/mm/yyyy

Biến vùng đất trũng thành trang trại hiệu quả

Chịu khó, nhanh nhạy, sáng tạo trong phát triển kinh tế, ông Trần Đình Văn ở xóm Điện Lực - xã Kỳ Sơn - huyện Tân Kỳ đã xây dựng thành công trang trại chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập hơn 450 triệu đồng mỗi năm. Ông cũng là hộ đầu tiên của huyện Tân Kỳ đã đưa con đà điểu về nuôi và bước đầu đàn vật nuôi phát triển tốt.

Với diện tích gần 5ha đất vườn đồi, thời gian qua, ông Trần Đình Văn đã dày công cải tạo, quy hoạch quy củ để phát triển chăn nuôi. Trong đó, hơn 3.000m2 vùng thấp trũng ông đã đào ao nuôi cá với các loại như Trắm trôi mè chép, do chủ động được nguồn thức ăn hoàn toàn từ phụ phẩm nông nghiệp nên chi phí đầu tư thấp, đàn cá lại tăng trọng nhanh, qua đó cung cấp thực phẩm sạch cải thiện bữa ăn hàng ngày cho gia đình, vừa có xuất bán ra thị trường mỗi năm trên 1,5 tấn cá các loại, tăng thêm thu nhập cho gia đình từ 50 đến 70 triệu đồng.


Trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Văn được xây dựng trên diện tích gần 5ha đất vườn đồi

Trên sườn đồi, ông Văn lại bố trí khoanh nuôi lợn rừng, đầu năm 2016 ông nuôi 200 con, thời gian này gia đình ông đã xuất bán còn lại 60 con, trong đó có 12 con sinh sản để chủ động con giống. Đặc biệt là gần đây gia đình ông nuôi thêm 10 con Đà Điểu. Đây là những con vật sống hoang dã, nên từ khâu làm chuồng đến thức ăn rất đơn giản chủ yếu là cỏ cây, ngô, khoai sắn. Riêng con đà điểu chi phí mua con giống cao, mỗi con có trọng lượng 3kg, tương đương 3 triệu đồng nhưng qua thực tế nuôi 5 tháng cho thấy đây là con vật dễ nuôi, tăng trọng nhanh, mỗi tháng mỗi con tăng trên 10kg, không mất nhiều thời gian chăm sóc, có khả năng chịu nóng, chịu rét và kháng bệnh tốt.

Ông Trần Đình Văn ở Xóm Điện Lực - xã Kỳ Sơn huyện Tân Kỳ chia sẻ: Trang trại chăn nuôi tổng hợp của tôi chủ yếu là lợn rừng, được nuôi theo bản năng hoang dã nên dễ xuất bán và cho thu nhập cao. Tôi nuôi thêm hàng chục con dê, hàng trăm con gà vịt, đặc biệt, qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi thấy con đà điểu nuôi rất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương nên tôi mua về nuôi và tôi thấy bước đầu có nhiều thuận lợi, hứa hẹn cho thu nhập cao.


Trang trại gồm lợn rừng, dê, gà vịt và đà điểu

Vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm qua thực tế chăn nuôi, đặc biệt là nắm vững đặc tính sinh học từng loài vật, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc từ chế độ ăn, môi trường sống nên đàn vật nuôi đều phát triển tốt, đem lại tổng thu nhập cho gia đình ông mỗi năm hơn 450 triệu đồng. Hiện nay, trang trại chăn nuôi của ông Văn là 1 trong số 28 mô hình chăn nuôi hiệu quả trên địa bàn xã Kỳ Sơn huyện Tân Kỳ.

Ông Chu Quốc Tế- Chủ tịch Hội nông dân xã Kỳ Sơn huyện Tân Kỳ cho biết: Xã Kỳ Sơn đang phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2017 bởi vậy Cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế cho thu nhập cao để tăng giá trị thu nhập trên đầu người, nhờ đó mà đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình là mô hình kinh tế của gia đình ông Trần Đình Văn ở xóm Điện Lực xã Kỳ Sơn, ông là người dám nghĩ, dám làm vừa rồi đưa con Đà điều về nuôi bước đầu thấy phát triển tốt, phù hợp với địa bàn nên chúng tôi đang tiếp tục theo dõi để chỉ đạo nhân rộng ra địa bàn".


Ông Văn là hộ đầu tiên của huyện Tân Kỳ đã đưa con đà điểu về nuôi và bước đầu đàn vật nuôi phát triển tốt.

Với hiệu quả mô hình chăn nuôi tổng hợp, đặc biệt là mạnh dạn đưa loài vật nuôi mới về nuôi, ông Trần Đình Văn ở xóm Điện Lực - xã Kỳ Sơn - huyện Tân Kỳ đã tiên phong mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây. Từ đó, sẽ khai thác tốt thế mạnh về đất đai, sức lao động nông thôn dồi dào, nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần đa dạng hoá cơ cấu vật nuôi, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

CT - TH