dd/mm/yyyy

Bí quyết trị bệnh vàng lá, thối rễ cam

Gia đình chị Vũ Thị Hiền, anh Ngô Quang Tuấn (thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, Hà Giang) là một trong những hộ có diện tích trồng cam sành nhiều nhất xã. Bí quyết thành công là việc sử dụng các chế phẩm sinh học trị bệnh trên cây cam.

Tính đến nay, gia đình chị Hiền đã có hơn 20 năm gắn bó cùng cây cam. Năm 1994, nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa phương thích hợp với việc trồng cam, chị liền cải tạo 1ha đất đồi trồng cây keo sang trồng cam sành.

Ngày mới bắt tay vào làm, chị gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng cam, nhất là khâu xử lý bệnh dịch. Không nản, gia đình chị tìm đến những người trồng cam trong vùng để học hỏi kỹ thuật trồng. “Người có công, cam chẳng phụ. Đến năm thứ 4 vườn cam đã cho thu hoạch. Cầm trên tay những quả cam sành to, mọng nước, vợ chồng tôi ứa nước mắt vì hạnh phúc. Năm đầu tiên thu hái cam, trừ chi phí tôi thu lãi hơn 60 triệu đồng”, chị Hiền thổ lộ.

Thấy cây cam đem lại thu nhập cao, chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng cam mỗi năm một ít. Đến nay, sau nhiều năm gắn bó với cây cam sành, chị đã tích lũy được kinh nghiệm và tự tin mở rộng diện tích trồng cam lên 10ha.

Luôn hướng tới một nền nông nghiệp sạch, vợ chồng chị Hiền là một trong những hộ thí điểm mô hình trồng cam sạch VietGAP đầu tiên ở xã. Chị Hiền kể: Từ năm 2012, chị đã được tham gia các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật chăm sóc cây, từ cách làm đất, chọn giống, cắt tỉa, loại bỏ cây sâu bệnh, cách theo dõi ghi chép nhật ký trồng. Đồng thời, chị còn được hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng thay thế cho phân vô cơ và sử dụng an toàn các loại thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng…”.

“Tuy cam sành cho thu nhập cao, nhưng công việc trồng cam vất vả. Cây cam là loại cây khó tính, đòi hỏi người trồng phải cần mẫn và nắm chắc quy trình kỹ thuật chăm sóc từ lúc cây non đến khi cho thu quả”.
Chị Vũ Thị Hiền.

Chia sẻ về việc áp dụng chế phẩm sinh học hiệu quả trong trồng cam, chị Hiền cho biết: “Bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam được coi là những bệnh khó xử lý. Để phòng và trị 2 bệnh này, tôi sử dụng các chế phẩm sinh học Ketomium, AT… cho cây cam sành theo đúng quy trình kỹ thuật. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học không chỉ trị được bệnh cho cây, làm tăng năng suất, chất lượng quả, hạn chế nhiễm bệnh, mà còn không ảnh hưởng tới sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường xung quanh”.

Điều đặc biệt, gia đình chị Hiền còn là hộ thí điểm và sử dụng thành công đầu tiên các chế phẩm sinh học để kéo dài thời gian thu hoạch cam mà không tốn kém đầu tư cũng như ảnh hưởng đến cây trồng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên diện tích, năng suất và sản lượng cam của gia đình chị năm sau luôn cao hơn năm trước; trung bình từ 18-20 tấn quả/ha. Nhiều năm nay, gia đình chị cùng các thành viên trong Hợp tác xã sản xuất cam VietGAP xã Vĩnh Hảo đã xây dựng được uy tín, thương hiệu cam sạch nên thị trường tiêu thụ.

Hiện với 10 ha cây cam sành, trong đó 6 ha cam đang cho quả, 4 ha cam đang trong thời kỳ kiến thiết, mỗi năm gia đình chị bán hơn 80 tấn cam sành, có thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Thu Hà