Mỗi buổi chiều, dạo quanh một vòng không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người ngồi trong quán nước hay đứng trước các đại lý vé số để trông chờ vận may.
Những người sống về chiều
Chứng kiến cảnh đủ kiểu hỷ nộ trước và sau giờ xổ số, bà Lê Thị Kim Lệ (72 tuổi; ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) kể có lần bà thấy một người cầm trên tay cọc vé số bước vào quán. Mới đầu, bà nghĩ gần đến giờ xổ mà người này không may mắn bán hết vé số. Lân la hỏi thăm thì bà mới biết người này tốn hơn 1 triệu đồng mua số chỉ mong trúng để có tiền trả nợ. "Hôm đó, số xổ gần hết lô rồi, người này từ vẻ mặt đầy hy vọng chuyển sang buồn bã, giống như… trúng gió vậy" - bà Lệ nói.
Theo người bán quán nước đối diện một đại lý vé số ở TP Cần Thơ, quán nước của bà chỉ đông khách vào sáng sớm và cuối giờ chiều. Sáng sớm thì khách ghé nhâm nhi ly cà phê rồi đi làm; còn giờ chiều là thời điểm của những người quan tâm đến tấm bảng kết quả xổ số phía đối diện. "Bán ở đây cả chục năm nhưng tui chưa thấy ai dò rồi mừng vì trúng độc đắc. Tui cũng mua số nhưng may mắn chỉ trúng lô đầu (giải thấp nhất - PV)" - bà bán nước cho biết.
Thạc sĩ Ngô Thành Thuận, chuyên viên tư vấn tâm lý thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, lý giải vì sao người miền Tây thường mua vé số nhiều so với các vùng miền khác. "Trước tiên, người miền Tây sống rất hào sảng, ngồi cà phê hay nhậu nhẹt, thấy người nghèo đi bán vé số thì mua ủng hộ thay vì móc tiền ra làm phước. Thứ hai, những người mua vé số đều muốn cầu may, vé số xác suất trúng rất thấp nên họ cầu may, tin vào trời sẽ cho lộc. Thứ ba, người hay mua vé số giống như bị "nghiện" chơi chim hoặc chơi cá, ngồi tới 16 giờ để chờ xổ số, họ cảm thấy ngồi chờ và nghe xổ sổ như vậy là vui" - thạc sĩ Thuận giải thích.
Mất nhiều hơn được
Theo tính toán của các chuyên gia, xác suất để trúng số độc đắc là rất thấp (khoảng 1/100.000). Vì vậy, chuyện mua vé số nên được xem là niềm vui, đừng đặt nặng vấn đề đam mê hay "cầu may" để ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình. "Tôi có người em, đi làm công mỗi ngày được 150.000 đồng, lãnh ra 2 ngày lương nhưng dám bỏ 100.000 đồng để mua 10 tờ vé số. Phải chi lấy tiền đó mua gạo cho vợ con" - ông Thuận nói.
Theo TS Trần Hữu Hiệp, xổ số kiến thiết, dù được nhìn nhận dưới góc độ một ngành kinh doanh hay hiện tượng xã hội, đều bộc lộ tính 2 mặt tốt - xấu, không thể lạm dụng hay ngăn cấm cực đoan. Nhưng khi mà khắp nơi từ thành thị tới nông thôn miền Tây có quá nhiều người bán, người chơi vé số, nó tác động lớn đến sinh kế và đời sống người dân. Lúc đó, vé số không còn đơn thuần là một trò chơi may rủi.
Không thể phủ nhận xổ số là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, hấp dẫn nhà đầu tư, là nguồn thu quan trọng của địa phương. Chính quyền có thể sử dụng phần lớn từ nguồn thu xổ số để tái đầu tư cho các công trình y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội khác. "Mặt trái cần được nhận diện là dù vé số tạo ra nguồn thu lớn nhưng nhìn ở góc độ xã hội, đã có nhiều gia đình bị tán gia bại sản vì lạm dụng trò chơi này" - TS Trần Hữu Hiệp nhận định.
TS Hiệp còn cho rằng đặt trò chơi may rủi này bên cạnh cái nghèo khó, mặt bằng dân trí của người dân miền Tây - một thị trường lớn của xổ số kiến thiết - là điều đáng để suy ngẫm. Một nghịch lý mà ai cũng thấy là những tỉnh nghèo, chỗ trũng về giáo dục lại có doanh thu cao và nguồn thu lớn từ nguồn thu xổ số. Đội ngũ người bán vé số dạo thường đầy ắp ở những địa phương nghèo mà miền Tây là điển hình. Ông Hiệp nhắn nhủ: "Con đường thoát nghèo căn cơ của mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương chắc chắn phải đến được từ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Làm tốt hay tồi, nhanh hay chậm phụ thuộc vào cách giải bài toán "chi phí và lợi ích" nhìn từ trò chơi may rủi là vé số".
Thạc sĩ Ngô Thành Thuận cũng khuyến cáo: "Nếu nghĩ mua vé số để cầu may thì rất mong manh và phiêu lưu. Cha mẹ ham mua vé số vô tình tập cho con tính lười biếng, cầu may, trẻ thấy cha mẹ sao thì học theo vậy. Vì vậy, phải liệu cơm gắp mắm. Nếu đi làm 1 ngày 200.000-300.000 đồng thì chắc chắn số tiền này nằm trong túi của mình. Nhưng nếu mua vé số, may thì trời cho, còn không thì mất tiền".
Người nghèo thích chơi xổ số
TS Trần Hữu Hiệp cho biết đã có những nghiên cứu nghiêm túc về tâm lý, hành vi và yếu tố tác động đối với người chơi vé số ở Mỹ và các nước phát triển. Kết luận chung được rút ra là phần lớn người nghèo thích chơi xổ số. Dù đa số họ biết rằng sẽ khó làm giàu nhưng tấm vé số là một kiểu bỏ số tiền nhỏ mua hy vọng lớn dù mong manh.
>> Chuyện trúng số dùng "của trời cho"
Ở Việt Nam và ĐBSCL chưa thấy có nhiều nghiên cứu bài bản lĩnh vực này. Gần đây, có một nghiên cứu của 2 giảng viên Phạm Lê Thông và Lê Thanh Hoàng Huy, Khoa Kinh tế Trường ĐH Cần Thơ, về "Chi tiêu cho xổ số kiến thiết của người dân ở TP Cần Thơ". Kết quả cho thấy chi tiêu cho xổ số kiến thiết của người dân TP Cần Thơ phụ thuộc vào các đặc điểm cá nhân như thu nhập, trình độ học vấn, tuổi tác, tình trạng hôn nhân, dân tộc và nghề nghiệp của người chơi. Tỉ lệ người dân chơi xổ số tương đối cao, chiếm gần 55% số quan sát trong mẫu, trong đó phần lớn là những khách hàng thường xuyên, chiếm hơn 85% tổng số khách hàng.