dd/mm/yyyy

Bí ẩn loài nấm ‘tan cửa nát nhà’ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Đó là loại nấm ngọc cẩu của người Cờ Lao, sống trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Người dân nơi đây bảo rằng đàn ông dùng nấm này thường xuyên thì dễ năm thê bảy thiếp, mà dẫn đến nát cửa tan nhà.

Loài nấm có hình thù lạ mắt này được cánh mày râu săn lùng

Trong lần vào bản Phìn Sư (xã Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang) của người Cờ Lao, tôi được thầy cúng Min Phà Sinh, người Cờ Lao mời uống một thứ nước lạ. Thứ nước ấy có màu đen thẫm, vị hơi chát.

 Từng đi rừng nhiều, biết nhiều loại nấm, từ nấm phục thần mọc dưới lòng đất, ký sinh trên rễ cây thông đỏ, cho đến phục linh thiên mọc trên ngọn cây vân sam trên đỉnh Fansipan quý như vàng ròng, song tôi chưa được thấy loài nấm này.

Uống xong bát nước, một cảm giác khá lạ xảy ra: Sự rã rời của cơ thể sau hành trình đánh vật dài đằng đẵng với cung đường dốc ngược như đường lên trời, dường như tan biến đâu mất.

Từng dùng nhiều loại thảo dược quý, song tôi phải công nhận, thứ thảo dược này rất lạ. Tôi bày tỏ ý muốn được xem thứ thảo dược lạ ấy.

Thầy cúng Min Phà Sinh gọi vợ, nói mấy câu Cờ Lao, nghe hệt tiếng Tàu, thì cô vợ đi ra phía trái nhà. Lát sau, vợ Min Phà Sinh mang đến một sâu thứ thảo dược lạ dùng nấu nước ấy.

Cả củ và thân nấm, trông chả khác gì nguyên cụm… của quý. Hai “viên ngọc” bám lủng lẳng hai bên, và nảy nòi từ giữa hai “viên ngọc” đó là “cái cột có mũ”. Tôi trộm nghĩ, củ nấm này đem về xuôi, chị em nhìn thấy, chắc cũng phải đỏ mặt.


Củ nấm có hình thù khiến đàn ông đỏ mặt, chị em thẹn thùng

Min Phà Sinh năm nay 54 tuổi, đã có chắt nội, chắt ngoại, tức lên chức cụ, mà trông khá trẻ. Vợ Sinh cũng đã 55 tuổi, mà má vẫn hồng, tóc vẫn đen, răng vẫn chắc.

Người Cờ Lao sống ở sát đỉnh Tây Côn Lĩnh, cuộc sống khắc nghiệt, nghèo khó, mà giữ được dáng dấp như thế kể cũng lạ. Thầy cúng Sinh vẫn liếm dao nung đỏ cháy xèo xèo, vẫn đi rừng phăm phăm và đi bộ hàng trăm cây số để đuổi ma, xua tà cho những gia đình ham trò mê tín dị đoan ở nơi khác.

Người dân gọi đây là nấm ngọc cẩu rất tốt cho sức khỏe

Theo thầy cúng Sinh, để giữ được thể trạng sung mãn, trẻ trung ấy, Min Phà Sinh tiết lộ, là do loài nấm có bộ dạng kỳ dị như của quý đàn ông.

Thầy cúng Sinh không biết tên phổ thông của loài nấm này là gì, chỉ biết rằng, từ đời cha ông, tổ tiên đã dùng như nước uống hàng ngày, nên đời sau cứ thế vào rừng hái.

Nấm ngọc cẩu Theo Min Phà Sinh, người Cờ Lao có nguồn gốc từ Trung Quốc, di cư từ phía bên kia dãy Tây Côn Lĩnh sang bên này, thuộc đất Việt Nam mới khoảng 8 đời, tức cách nay chừng 150 đến 200 năm.

Nấm ngọc cẩu cũng là thảo dược tốt cho cả phụ nữ

Tổ tiên, họ hàng Min Phà Sinh ở bên Trung Quốc vẫn còn nhiều, nên vẫn đi về. Cây nấm kỳ lạ này chính là thức uống bí truyền, chỉ dòng họ của Sinh là biết và được truyền cho con dâu.

Sở dĩ, các cụ truyền cho con dâu, vì người con dâu về với chồng, sẽ thành người trong nhà và người con dâu sẽ chăm chỉ vào rừng lấy nấm, tích trữ trong nhà, để đại gia đình dùng dần, như một thứ thuốc thập toàn đại bổ.

Theo lời Sinh, sở dĩ con gái Trung Quốc có da dẻ trắng mịn, là vì đều được bố mẹ chỉ dạy cách hái thảo dược và uống thảo dược thay nước hàng ngày. Tuy nhiên, không phải gia đình nào ở Trung Quốc cũng biết đến loài nấm có bộ dạng kỳ lạ, mà người Cờ Lao gọi là Xin Xao này.

Điều đặc biệt, là loài nấm đó ẩn trong lòng đất, chỉ đến tháng 9 và tháng 10 mới trồi lên khỏi mắt đất.


Nấm ngọc cẩu khổng lồ do lương y Phạm Văn Thanh thu hái ở Tây Côn Lĩnh

Đàn bà Cờ Lao biết được bí quyết ấy, cũng hái nấm về ăn, để được trẻ mãi không già. Đàn ông Cờ Lao đem nấm ấy về nấu uống, cũng thấy khỏe mạnh, cường tráng, “yêu” vợ không biết mệt mỏi.

Tôi hỏi Min Phà Sinh, rằng, liệu loài nấm kỳ dị này có thực sự tăng cường sinh lực hay không? Thầy cúng Sinh cười tủm tỉm bảo: “Cứ hỏi vợ mình thì biết?”.

Tôi quay sang hỏi vợ thầy cúng Sinh, chị bụm miệng cười, đỏ mặt quay đi. Sinh bảo thêm: “Đàn bà uống thứ nấm này vào, không chỉ xinh đẹp, trẻ mãi, mà còn hồi xuân đủ thứ, lấy được mấy chồng liền đấy nhé”.

 Người Dao đỏ ở núi Tả Phời trên dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) gọi vui loài nấm hình của quý là nấm “tan cửa nát nhà”. Người Dao còn gọi chúng là nấm ngọc cẩu, vì bộ dạng giống của quý loài chó.

Họ giải thích rằng, nếu phụ nữ dùng nấm này, sẽ đẹp như tiên, sinh lý tăng mạnh, nên nếu chồng không đáp ứng được, dễ dẫn đến ngoại tình.

Đàn ông dùng nấm này thường xuyên, thì dễ năm thê bảy thiếp, mà dẫn đến nát cửa tan nhà. Chính vì lẽ đó, người Dao thường chỉ sử dụng nấm trong những hoàn cảnh sinh lý yếu, suy nhược cơ thể, chứ không dùng như đồ uống chơi hàng ngày.
Lương y Phạm Văn Thanh (Nhà thuốc Hoàng Liên Sơn)
Theo Dương Phạm-Nguyệt Phong