Chưa bao giờ người nuôi heo đối mặt với khó khăn như hiện nay. Ảnh TL
Gần 100 trang trại chăn nuôi heo phản ánh nhiều khó khăn khi áp dụng đeo vòng truy xuất nguồn gốc tại buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi do Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cùng Sở NN&PTNT, Sở Công Thương Đồng Nai, TP.HCM... tổ chức tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 17-3.
Bà Bùi Thị Thủy chủ trang trại heo (Tân Hòa - Biên Hòa - Đồng Nai) cho biết con heo từ trang trại đã được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm dịch, đến khi vận chuyển lên TP.HCM phải kiểm qua qua nhiều chốt, đến lò mổ phải lăn cả đống con dấu của cơ quan chức năng.
Lo ngại “đeo vòng” sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành chăn nuôi heo. Ảnh TL
Nay lại bắt đeo vòng, chi phí chưa bàn nhưng việc đeo vòng cho con heo đã rất khó khăn, đeo vòng vào hai chân sau con heo, con heo nó đá hậu vào mặt người đeo, rất vất vả, nguy hiểm.
Theo bà Thủy, chi phí mua vòng 6.000 đồng/vòng, chi phí đeo thuê người đeo là 10.000 đồng/ con, như vậy mỗi con heo 16.000 đồng/con trang trại cả 1.000 con thì số tiền mua vòng 16 triệu đồng là không hề nhỏ trong lúc người nuôi heo đang lỗ, chờ chực phá sản. Áp dụng đeo vòng truy xuất kiểu này chẳng khác nào “đá vào mặt” nông dân.
Một thương lái tại Đồng Nai cho biết đeo vòng này rất bẩn vì chất thải sẽ bám tụ đọng lại vòng này. Ngoài ra đeo vòng này chưa chắc đã truy xuất nguồn gốc được vì chỉ đeo vòng ở chân, heo sau khi giết mổ nhiều phần thì làm sao biết con heo đó đảm bảo được truy xuất nguồn gốc.
Các trang trại đồng tình đeo vòng truy xuất nguồn gốc nhưng đề xuất đeo ở tai như các nước trên thế giới đang làm sẽ dễ dàng cho người chăn nuôi, giảm chi phí cho người nuôi heo.
Để tránh tình trạng “đeo vòng” kìm hãm sự phát triển của ngành chăn nuôi heo, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất, trước mắt TP.HCM có thể giảm 50% chi phí vòng nhận diện truy xuất để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, về lâu dài, khi các địa phương tham gia vào đề án tạo vùng thực phẩm an toàn cho TP.HCM thì phải nhận được giá bán tương xứng.
Do vậy, trong thời gian tới để hài hòa lợi ích trong việc thực hiện Đề án, các đơn vị tiêu thụ nên đưa chi phí đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc vào giá bán sản phẩm, thay vì để người nuôi phải tự chi trả như hiện nay.