dd/mm/yyyy

Bán đảo Thủ Thiêm: Từ vùng đất bình yên đến đô thị “sóng gió”

Bán đảo Thủ Thiêm cách trung tâm TP.HCM chỉ một con sông Sài Gòn, nơi đây từng có bề dày lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của Thành phố. Nhưng sau khi vùng đất này được đưa vào quy hoạch thành Khu đô thị thì “sóng gió” bắt đầu nổi lên, biến cuộc sống người dân nơi đây trở thành những chuỗi ngày khốn khó.

Thủ Thiêm trước đây còn chưa có tên cụ thể. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, vùng đất này phần lớn là sình lầy, trũng thấp, cây cối mọc um tùm. Năm 1802, khi Vua Gia Long lên ngôi, những người bị triều đình tầm nã ở phương Bắc vào Nam rất nhiều, họ trốn sang bán đảo này ẩn nấp.

Năm 1864, giao thông trên sông Sài Gòn trở nên phức tạp, nhiều tàu lớn ra vào thường xuyên nên cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng bên bờ Tây sông. Trước ngày đất nước thống nhất, bến phà Thủ Thiêm chỉ có 4 chiếc, sau này được tăng cường thêm 3 chiếc nữa. Ngày nay phà được thế bằng cây cầu Thủ Thiêm và hầm sông Sài Gòn.

Gần hai thập kỷ khốn khó

Năm 1996, vùng đất này bắt đầu đưa vào quy hoạch phát triển khu đô thị Thủ Thiêm. Hai năm sau công tác đo đạc, đền bù giải tỏa bắt đầu được UBND TP.HCM bắt tay vào thực hiện. Cuộc sống người dân nơi đây cũng bắt đầu những ngày khốn khổ, nhiều gia đình đã rơi nước mắt.

Từ khu ở tạm của dân Thủ Thiêm nhìn ra siêu đô thị.
Từ khu ở tạm của dân Thủ Thiêm nhìn ra siêu đô thị.

Chị Hồng, người dân bị giải tỏa ở đây, cho biết nhà chị bị thu hồi gần 1.000 m2 đất. Lúc thu hồi đất gia đình chị được thông báo sẽ tái định cư tại chỗ, nhưng đến nay nhà vẫn chưa thấy đâu, khiến cuộc sống gia đình vô cùng khổ sở.

Nhiều hộ dân khác ở đây bị thu hồi đất, nhà cũng khổ không kém. Tại khu tạm cư Thủ Thiêm, hàng chục con người sau nhiều năm bị giải tỏa vẫn phải sống trong cảnh nhà không ra nhà. Nhiều người liều quay về chính căn nhà mình bị cưỡng chế dựng chòi ở tiếp, nhiều người “ngụ cư” tạm bợ trong nhà của các hộ dân khác bỏ lại. Cuộc sống chui nhủi, ô nhiễm môi trường vô cùng khổ sở.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau gần hai thập kỷ quy hoạch, giải tỏa, đền bù Khu đô thị Thủ Thiêm đã có khoảng 15.000 hộ dân bị thu mất đất đai, nhà cửa để nhường chỗ cho siêu dự án này. Nhiều người tự lo chỗ ở, một số ít nhận nhà tái định cư và đến nay vẫn còn khoảng 60 hộ dân tạm cư sống lay lắt trong các căn nhà tạm chật chội.

Trong lúc số hộ dân không nhà ở thì hàng nghìn căn hộ tái định cư trên địa bàn hai phường An Phú và phường An Khánh, quận 2 xây xong bỏ hoang. “Trước đây khi di dời chúng tôi đi, người ta bảo sẽ xây dựng ngay nhà tái định cư cho chúng tôi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng sau khi bị giải tỏa, chúng tôi chờ hoài không thấy xây. Hỏi ra thì họ nói vướng đủ thứ. Chúng tôi không thể chờ mãi nên phải vay mượn thêm tiền, cộng với tiền đền bù mua đại một thửa đất nhỏ, cất nhà kiếm chỗ chui ra vào”, anh Toàn, một hộ dân bị giải tỏa ở đây than.

Trong khi đó, theo chị Hải (đại diện một hộ dân khác bị giải tỏa ở đây), sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng họ cũng xây xong nhà tái định cư. “Nhưng tôi không khỏi giật mình khi thấy chung cư lún nứt khắp nơi. Nhà tái định cư xây kém chất lượng như vậy ai dám ở. Trong khi giá bán mỗi căn hộ ở mức trên trời, tiền đến bù cho chúng tôi có vài trăm triệu đồng sao mua nổi”, chị Hải nói.

Nhà tái định cư thành đô thị “ma”

Sự việc đổ vỡ khi đầu năm 2018 Kiểm toán Nhà nước thông bố 14.366 căn hộ tái định cư trên toàn địa bàn TP.HCM đang bỏ hoang, trong đó Khu đô thị mới Thủ Thiêm chiếm số lượng lớn nhất với 3.790 căn, khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Lý giải việc này, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đổ lỗi cho hoàn cảnh: “Từ năm 1998 kéo dài đến năm 2007, việc đền bù giải toả tái định cư thực hiện theo Nghị định 22. Khi giải toả, nhà nước đền bù theo giá đền bù cho dân hoặc bố trí một căn hộ mới. Lúc đó, nhận nhà có lợi hơn nên người dân ào ào chọn phương án này và bán lại cho người khác để kiếm lời. Thấy vậy, lãnh đạo UBND TP.HCM nhanh chóng đầu tư khu tái định cư 12.500 căn tại Thủ Thiêm, Q.2 cho người dân với mục đích xây dựng một khu tái định cư đầy đủ hạ tầng. Tuy nhiên, khi xây xong, dân không ở. Lý do là họ lâu nay ngụ quận 1, quận 6, bỗng dưng đưa về một nơi xa lạ không mấy thích nghi”.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, sau vài năm giải tỏa, đền bù chính sách tái định cư lại thay đổi. Lúc này, quy định pháp luật nêu rõ giải toả phải bồi thường theo giá trị thị trường. Như vậy, việc nhận tiền có lợi hơn nhận căn hộ, dẫn đến việc dư các khu tái định cư, không ai chịu ở.

Trong khi đó, theo Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM, vừa qua đơn vị này mở bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư thuộc khu đô thị này với giá khởi điểm trung bình khoảng 2,3 tỉ đồng/căn nhưng đến nay chưa có đơn vị nào mua.

Chính quyền: “Cứ chờ đi…”

Ngày 10.5, trả lời câu hỏi PV báo Tiền Phong liên quan đến tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, đại diện Ban quản lý giải phóng mặt bằng Thủ Thiêm cho hay, không biết tấm bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm. “Cứ chờ đi, chờ có thông báo chính thức chứ tôi ở bộ phận văn phòng nên không biết đâu” - vị này trả lời.

Đặt câu hỏi nếu không biết gì về bản đồ thì đơn vị tiến hành giải phóng mặt bằng như thế nào, người này bảo: “Tôi đâu biết, tôi ở bộ phận văn phòng mà. Cô liên hệ với Ban Công tác Đảng đi”. Sự việc này cũng có nhiều báo đăng lắm rồi, cho nên mình tạm dừng lại đi để cho người ta làm việc rồi mới có câu trả lời. Chứ giờ ngày nào cũng phải tiếp nhà báo, chúng tôi không làm việc được. Hơn nữa có tiếp cũng không có trả lời được cái gì hết.

Hỏi vị đại diện Ban quản lý giải phóng mặt bằng Thủ Thiêm: Chờ thêm thời gian thì chờ bao lâu? 5-10 hay 20 năm? Người này nói: “Làm sao tôi biết được. Cái đó nó phụ thuộc vào Thành ủy, UBND Thành phố chỉ đạo công việc, chứ chúng tôi đâu có quyền quyết định. Bây giờ những thông tin có liên quan đến Thủ Thiêm phải do UBND Thành phố trả lời chứ chúng tôi không được phép trả lời nữa, vì sự việc đó đã vượt quá tầm của bên này rồi. Cho nên phải chờ Thành ủy, UBND Thành phố họp để có những thông tin chính thức. Tôi nghĩ là sẽ có thôi chứ không phải là không có. Chuyện đó giờ thành ra lớn lắm rồi, chúng tôi mà có nói thì cũng nói như các báo thôi chứ chẳng biết nói thế nào. Do đó chỉ có chờ thôi” (?!).

Trong khi đó, dù chúng tôi đã cố gắng liên lạc với ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nhiều lần nhưng vị này không bắt máy.

Trước đó ông Nhã cho rằng, tấm bản đồ tỷ lệ 1/5.000 đi kèm với Quyết định 367/QĐ-TTg về quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm được Chính phủ ban hành năm 1996 “mất hay tìm không ra cũng na ná nhau”. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát tất cả các nguồn nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra.

Theo ông Nhã, thời gian từ đó đến nay cũng đã hơn 20 năm. Nhiều đơn vị chuyển vị trí, địa điểm và trả lời là không lưu trữ bản đồ này. Tài liệu hồ sơ có lưu tại Sở Quy hoạch kiến trúc nhưng bản đồ thì không có. Việc này đã nhiều lần báo cáo cho UBND, Thanh tra Chính phủ và mới đây là Bộ Tư pháp để có ý kiến.

Đình Du - Uyên Phương