dd/mm/yyyy

Bà chủ trang trại chăn nuôi gà, lợn với ký ức từng là... “mẹ mìn”

Trong lúc túng quẫn, được “mách nước” đưa người sang Trung Quốc làm ăn lấy tiền hoa hồng, nhưng thực tế là buôn bán phụ nữ nên Huyền đã bị công an bắt, phạt tù.

Ngày trở về, với bao nhiêu khó khăn và mặc cảm, với quyết tâm Pay Thị Huyền đã trở thành một chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Về đến xã Yên Na, huyện Tương Dương, hỏi thăm chị Pay Thị Huyền thì ai ai cũng biết. Bởi chị Huyền là chủ trang trại chăn nuôi gà sạch, chăn nuôi lợn nít thả rông nổi tiếng cả vùng.

Chị Pay Thị Huyền.
Chị Pay Thị Huyền - chủ trang trại chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn quy mô lớn tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Không ai còn nhớ đến quá khứ của những ngày tăm tối mà chị từng trải qua để có được thành công như ngày hôm nay. Lớn lên thì Huyền gặp và nên duyên với một thanh niên người Bắc vào làm ăn.

Sau nhiều năm sinh sống, hai đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống dù khó khăn nhưng hai vợ chồng cũng cố gắng làm lụng nên phần nào cũng đủ ăn.

Biến cố cuộc đời bắt đầu từ năm 1992, khi chồng mắc chứng bệnh suy thận, với cấp độ nặng buộc phải chạy thận thường xuyên mới duy trì được sự sống.

Chị đành gửi hai đứa nhỏ cho ông bà ngoại chăm hộ, hai vợ chồng dắt díu nhau về nương tựa nhà nội hỗ trợ thêm để chạy chữa. Hơn 12 năm mòn mỏi sống trong túng thiếu và vất vả cuối cùng chồng chị cũng không thể ở lại bên chị.

Sau đám tang chồng, chị dắt con về nhà ngoại sinh sống. Năm 2008, chị nhận 50 con gà từ dự án tài trợ của Lucxembua để chăm sóc và phát triển.

Đàn gà phát triển tốt, chị có thêm vốn mở rộng trang trại, mua thêm gà để chăn nuôi với số lượng lớn hơn 2.000 con gà. Khi đàn gà đến dịp thu hoạch thì dịch cúm H5N1 tràn qua khiến chị mất trắng không còn sót lại thứ gì.

Với một món nợ lớn đang trông chờ đàn gà giờ chị không còn biết bấu víu vào đâu, chị dường như kiệt sức. Biết hoàn cảnh khó khăn, cần tiền những người bạn đến rủ rê chị tuyển người, đưa người sang Trung Quốc làm việc để lấy tiền hoa hồng.

Chị không biết rằng đó là màn kịch, thực chất là đưa phụ nữ sang bán cho người Trung Quốc mua làm vợ. Rồi sự việc bị bại lộ, chị bị tố cáo và bị bắt với vai trò là đồng phạm, mức án 30 tháng tù được tòa án tuyên phạt.

Ngày chị nhận án phạt tù, thi hành án tại Trại giam số 6 (Bộ Công an — tại Thanh Chương, Nghệ An) là những ngày chị mất niềm tin vào cuộc sống nhất. Nhưng rồi chị bừng tỉnh khi nghĩ về hai đứa con thơ dại đang ở quê, không bố, không mẹ không biết sẽ sống ra sao, ai sẽ dạy dỗ chúng nên người…

Nghĩ đến đó, chị lại muốn làm lại từ đầu, cùng với sự động viên của quản giáo trại giam nên chị lấy lại được động lực. Chị Pay Thị Huyền kể lại, “Biết được tôi từng có thời gian chăn nuôi gà ở nhà nên Ban giám thị phân công tôi vào đội chăn nuôi, chăm sóc lợn, gà.

Đây cũng là thời gian tôi được học hỏi thêm về kinh nghiệm, rồi các phương pháp phòng chống dịch, tiêm phòng…

Cũng nhờ có thành tích cải tạo tốt nên được giảm án hai lần ra tù trước thời hạn 6 tháng”. Khi trở về, chị mừng nhất là các con chị vẫn khỏe mạnh và ngoan ngoãn, được ông bà ngoại chăm sóc chu đáo. Mang trên mình án tù trở về quê, không ai tự tin ra đường để xin việc làm hay vay mượn để làm ăn.

Sau thời gian đầu sống biệt lập, chị thấy cần phải thay đổi đời mình mới có kinh tế và các con đỡ khổ, cùng với sự động viên của Hội phụ nữ xã, chị quyết tâm làm lại cuộc đời bằng con đường chăn nuôi trang trại mà trước đó chị từng đổ bể.

Vốn kiến thức đúc kết từ trong những ngày ở trại giam, chị vay mượn tiền mua gần 1.000 con gà về chăn nuôi. Đàn gà lớn nhanh, không mắc bệnh nhờ có các phương pháp khoa học được áp dụng. Sau khi trừ đi chi phí, chị cũng thu về được hơn 30 triệu đồng từ mùa chăn nuôi gà đầu tiên.

Tiếp đó, chị Huyền mở rộng quy mô trang trại lên gần 1.500 con gà thịt và gà đẻ, tậu thêm 2 con bò thả rông, 28 con lợn thịt, trồng 1 ha cây keo. Năm 2016, chị xuất chuồng bán trang trại thu về hơn 120 triệu đồng khiến bà con ai cũng nể phục.

Bà con trong xã nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm chị sẵn sàng chia sẻ để bà con có cơ hội phát triển kinh tế.

“Làm nghề gì kiếm ra tiền mà không phạm pháp là được chú à, quê mình sẵn có đất đai, thức ăn nên nuôi gà khá thuận lợi. Bên cạnh đó khí hậu còn nhiều khắc nghiệt nhưng mình chú trọng các phương pháp phòng trừ dịch bệnh, dự trữ thức ăn mùa đông...”, chị Huyền nói.

Đàn gà được chăm sóc theo phương pháp thủ công, nên chất lượng rất đảm bảo cho thương hiệu “gà đi bộ”, vì thế khách hàng vào tận nơi thu mua khiến cho kinh tế chị cũng đỡ phần nào vất vả hơn.

Chị Huyền cho biết thêm, đợt Tết Nguyên đán 2018 vừa qua, khi xuất bán gà thị thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Chị Lô Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Na chia sẻ, chị Huyền là một hội viên đặc biệt, có nhiều cố gắng trong cuộc sống để có được thành quả ngày hôm nay.

Trang trại chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn của chị Huyền là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả nhất của hội viên Hội LHPN xã, giúp đỡ nhiều hội viên khác làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Điều quan trọng nhất là chị Huyền đã bỏ qua mặc cảm, biết được những điều sai trái và tự tin đứng dậy làm lại cuộc đời khi còn chưa muộn.

Ngô Toàn