Heo nuôi trên nền đệm lót sinh học kết hợp chế phẩm EM.
Đây cũng là 1 trong 3 ý tưởng đoạt giải cao nhất Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Định” năm 2016. Ngày 15.1.2017, những người chủ trẻ của trang trại chính thức trình làng sản phẩm ra thị trường, nhãn hiệu “Thực phẩm sạch Thái Long” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) bảo hộ.
Công nghệ "không tắm"
Ấp ủ và lên kế hoạch từ lâu, nhưng đến đầu năm 2016, ý tưởng về một trang trại chăn nuôi không mùi hôi, không ô nhiễm môi trường được khởi động. Những ngày cuối năm, khi chúng tôi tìm đến trang trại rộng 20 ha nằm trong khu dân cư ở thôn Nghĩa Điền, ấn tượng đầu tiên là trang trại san sát dãy chuồng nuôi 200 con heo, 3.000 con gà không có mùi và hệ thống xử lý chất thải. Nền chuồng bằng đất, phủ một lớp nền tơi xốp.
Thấy chúng tôi băn khoăn, hai ông chủ trẻ của trang trại thọc cả bàn tay xuống lớp mùn dưới nền chuồng heo ấy, bốc một nắm đưa lên. Phạm Võ Văn Pháp giải thích: “Tất cả là nhờ công nghệ EM. Công thức này rất đơn giản với nguyên liệu chỉ là trấu, mùn cưa, cám gạo và chế phẩm sinh học EM trộn đều chờ cho lên men là có thể thả heo, gà vào nuôi mà không sợ mùi. Đây là công nghệ chăn nuôi tiên tiến hiện nay; ngoài những ưu điểm về chất lượng thịt, còn giúp giải quyết ô nhiễm môi trường mà hầu hết các trang trại chăn nuôi hiện đang đối mặt”.
Hai vấn đề mà công nghệ EM chú trọng là chế biến thức ăn cho heo, gà và xử lý chất thải. Các bạn trẻ đã quy hoạch 5 ha trong trang trại để làm vùng nguyên liệu trồng dược liệu và các loại nông sản bắp, mì, lúa. Sau đó, ủ các nguyên liệu này cùng chế phẩm EM để xử lý lên men, bổ sung nguồn đạm từ phân trùn quế tự làm. Do đó, gia súc, gia cầm vẫn có thể phát triển khỏe mạnh mà không cần sử dụng đến thức ăn công nghiệp hay kháng sinh. Các bạn trẻ còn tự mày mò nghiên cứu kết hợp với một số loại thực phẩm sạch khác “chế” ra công thức tốt nhất từ chế phẩm EM.
Điều đặc biệt, heo nuôi tại trang trại đều theo công nghệ “không tắm” từ lúc thả giống cho đến khi xuất chuồng. Võ Thái Long cho hay: “Bí quyết” nằm ở lót đệm sinh học đã qua công đoạn ủ và xử lý triệt để bằng chế phẩm EM. Sau khi lên men, nền chuồng chính là nơi vi sinh vật phát triển, chúng sẽ tiêu hủy hết các chất thải của heo, gà. Phân gia súc, gia cầm tiếp tục được ủ với chế phẩm EM và bón cho cây trồng. Hiệu quả thấy rõ là tỉ lệ tăng trưởng và khả năng sinh sản tăng, giảm tỉ lệ chết, thời gian cai sữa sớm hơn; hạn chế mùi hôi, ngăn chặn phát triển bệnh tật và dịch bệnh, bảo vệ môi trường”.
Giải bài toán đầu ra
Mô hình chăn nuôi sinh học khép kín chất lượng cao của 3 bạn trẻ nói trên “ra lò” với mong muốn hướng đến trang trại chăn nuôi sạch để cung cấp cho người tiêu dùng. Mà muốn có sản phẩm sạch, phải có môi trường sạch, con giống sạch và thức ăn sạch. Điều đó đòi hỏi tiêu chuẩn chăn nuôi rất khắt khe với công nghệ cao.
Tốt nghiệp cử nhân Luật, là chủ của một trung tâm võ thuật tại TP Quy Nhơn, niềm đam mê với “thực phẩm sạch” trỗi dậy khi Phạm Võ Văn Pháp trải qua 2 năm đào tạo và làm chuyên viên tư vấn về quy trình chăn nuôi áp dụng cho các mô hình chăn nuôi và trồng trọt công nghệ cao tại Việt Nam của Tổ chức phi chính phủ Nhịp cầu châu Á (Nhật Bản).
Ý tưởng của Pháp được “cộng hưởng” với Võ Thái Long - người từng lăn lóc với mô hình trang trại chăn nuôi tại Hoài Ân - và cô thạc sĩ tiếng Anh Hồ Lâm Xuân Hương. Pháp và Hương đảm nhận việc phát triển ý tưởng, tìm hiểu thị trường; Long chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật chăn nuôi. Long cho hay: “Sau một năm vừa làm vừa tự nghiên cứu, đến nay, quy trình chăn nuôi khép kín đã được hoàn thiện. Ngay cả thuốc tiêm và chữa bệnh cho heo, gà cũng chỉ sử dụng thuốc sinh học. Theo tính toán, chi phí chăn nuôi theo công nghệ EM giảm đáng kể so chăn nuôi thông thường”.
Giữa tháng 1.2017, “Thực phẩm sạch Thái Long” đã chính thức ra mắt 2 dòng sản phẩm thịt heo và thịt gà, có hẳn mã vạch để người tiêu dùng có thể trích xuất nguồn gốc. Đến thời điểm này, ngoài tiêu thụ qua thương lái, phân phối tại cửa hàng thực phẩm sạch Tâm An (TP Quy Nhơn), các bạn trẻ còn đứng ra tổ chức cửa hàng bán sản phẩm tại TP Quy Nhơn (đường Nguyễn Thái Học)và huyện Hoài Ân.
Hiện tại, trang trại có tổng đàn 3.000 con gà, 200 con heo, 20 con bò. Pháp cho biết: “Từ nay đến cuối năm 2017, chúng tôi sẽ hoàn thiện máy móc, thiết bị, làm dây chuyền máng ăn tự động, lò ấp, chiếu sáng để tăng đàn, làm chủ con giống, cho ra sản phẩm trứng; xây dựng mô hình rau sạch, cá… Đồng thời, phát triển hộ chăn nuôi “vệ tinh” tại Hoài Ân để hỗ trợ công nghệ và bao tiêu sản phẩm ổn định đầu ra. Vấn đề còn lại lúc này là tìm kiếm nguồn vốn đầu tư”.