Người nuôi chịu cảnh "lỗ chồng lỗ"
Hơn 5 năm chăn nuôi gà thịt, chưa năm nào gia đình bà Phạm Thị Phượng ở Lục Nam (Bắc Giang) lại chịu cảnh ế ẩm gà như năm nay. Nghiêm trọng hơn, từ đầu năm 2020 đến giờ bà Phượng xuất bán 2 lứa gà nhưng đều phải chịu thua lỗ nặng hàng trăm triệu đồng.
Dù liên tiếp gặp thất bại nhưng vợ chồng bà Phượng cũng không thể bỏ nghề chăn nuôi gà. Bởi lẽ, cả hai vợ chồng đều đã có tuổi, không thể đi làm công ty được nên phải ở nhà làm ruộng và chăn nuôi gà.
"Cũng nghĩ như mọi năm, chăn nuôi gà, vịt theo chu kỳ có lúc đắt, lúc rẻ. Lứa gà trước mất giá thì cố nuôi lứa sau để bù lại và lấy lãi nhưng bước sang đầu năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Sau khi chịu ảnh hưởng nặng từ cuộc "khủng hoảng thừa" làm gà, vịt liên tục mất giá và đến khi có dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho gia đình tôi và nhiều hộ chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh không thể ngóc đầu lên nổi, chúng tôi càng chăn nuôi càng thua lỗ nặng hơn", bà Phượng than thở.
Bà Phượng cho biết thêm, cùng trong cảnh chăn nuôi thua lỗ như gia đình bà, nhiều "đồng nghiệp" của bà ở các địa phương khác đang phải gánh nợ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. "Có gia đình mới nuôi gà đã liều đầu tư nhà xướng chăn nuôi gà quy mô lớn nhưng đến giờ đã "vỡ mộng", họ phải mang cả "sổ đỏ" đi cầm cố trả nợ cũng không đủ", bà Phượng nói.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Thương, chủ trại nuôi gà thịt lông màu ở Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho biết, nhiều ngày nay giá gà màu luôn chững ở mức thấp trên dưới 40.000 đồng/kg, việc tiêu thụ cũng rất khó khăn do thương lái giảm mua nên đang khiến cho nhiều người nuôi rất lo lắng.
"Do không bán được gà hơi số lượng lớn, nhiều trại đang phải chia lẻ ra để bán, một số hộ phải chủ động làm thịt sẵn rao bán trên mạng xã hội", ông Thương khẳng định.
Không chỉ người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng, các thương lái tại các vùng cũng đang lâm vào cảnh ế ẩm, liên tục mất đơn hàng khiến nhiều người tỏ ra chán nản, bỏ nghề.
Trao đổi với PV Trang trại Việt, một số thương lái thu mua gà, vịt thịt tại các tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều ngày qua, các thương lái tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, có một số lái chịu cảnh ế ẩm trầm trọng.
"Nếu như trước đây, mỗi ngày chúng tôi cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể hàng tấn gà, vịt mỗi ngày thì đến giờ số lượng hàng đã giảm xuống một cách rất thê thảm, có lái còn liên tục mất đơn hàng phải tạm nghỉ", bà Phạm Thi Ánh, thương lái ở Hà Tĩnh tiết lộ.
Cũng đang trong tình cảnh "sống dở, chết dở", ông Trần Trung Năm, thương lái ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cho hay: "Đợt dịch Covid-19 lần 2 này diễn biến phức tạp, chúng tôi liên tiếp bị mất các đơn hàng lớn, giờ chỉ còn các mối nhỏ tiêu dùng gà, vịt rất ít. Nếu tình hình dịch còn kéo dài hơn thì khả năng chúng tôi phải tạm nghỉ hoặc bỏ nghề thôi".
Các tháng chưa xảy ra dịch bệnh, trung bình mỗi ngày ông Năm liên kết với một số "đồng nghiệp" thu mua gà trắng và vịt thịt cung cấp cho hàng chục đơn hàng tại các nhà hàng, bếp ăn lớn ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên đến giờ, hầu hết các đầu mối đã báo tạm dừng lấy hàng khiến vợ chồng ông rất lo lắng.
"Mấy ngày gần đây, nhiều chủ trại "ruột" (chủ trại làm ăn lâu năm với lái) gọi điện thoại báo gửi hàng mà chúng tôi chúng tôi chưa dám nhận, thê thảm lắm", ông Năm nói.
Ông Năm cho biết thêm, cùng trong tình cảnh với ông, nhiều thương lái khác nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đang rơi vào tình trạng ế ẩm, thua lỗ vì nhận nhiều hàng không tiêu thụ được.
Người chăn nuôi nên bình tĩnh, thận trọng
Trao đổi với PV Trang trại Việt, ông Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam khẳng định, hiện tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Đặc biệt, từ 0 giờ ngày 19/8 Hà Nội cũng sẽ thực hiện giãn cách các nhà hàng, quán bia sẽ khiến cho việc tiêu thụ gia cầm trở nên khó khăn hơn.
"Nếu việc tiêu thụ gà, vịt gặp khó khăn sẽ khiến cho giá cả mặt hàng này giảm sâu" - ông Khanh dự báo.
Theo ông Khanh, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là hai thị trường tiêu thụ các sản phẩm gia cầm rất lớn cho các tỉnh. Chính vì thế, khi các nhà hàng, quán ăn ở 2 thành phố lớn này tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch sẽ làm gây ra tác động lớn cho thị trường gia cầm, hiện đang khó khăn sẽ càng thê thảm hơn.
Mặc dù vậy, ông Khanh vẫn khuyến cáo người chăn nuôi gà, vịt nên bình tĩnh, tránh tình trạng bán tống, bán tháo sản phẩm dẫn dến thua lỗ.
"Dù các nhà hàng lớn tạm thời đóng cửa nhưng các quán ăn, cửa hàng thực phẩm tại các địa phương vẫn mở cửa, người tiêu dùng vẫn có nhu cầu mua, chế biến ăn tại nhà nhiều. Chính vì thế nên bà con cũng không nên quá lo lắng, bình tĩnh chăn nuôi và xuất bán gà, vịt khi vật nuôi đủ tuổi xuất chuồng" - ông Khanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Khanh cũng khuyên bà con nên cân nhắc khi tái đàn và mua giống tiếp tục chăn nuôi. "Thời điểm này lượng gia cầm tại các địa phương vẫn còn khá dồi dào nên bà con cần mua giống vào đàn ở mức vừa phải, đồng thời áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh" - ông Khanh nói.
Nông dân kêu gọi "giải cứu" vịt thịt
Mới đây, trang mạng xã hội (facebook) của Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đăng thông tin kêu gọi giải cứu vịt chạy đồng cho người dân chăn nuôi trên địa bàn với nội dung:
"Giữa mùa đại dịch COVID-19, hàng chục vạn con vịt của hội viên nông ở huyện Phong Điền, trong đó, riêng hội viên Hoàng Thị Liên (xã Phong Hiền) đang có 6.000 con vịt bơ đã đến thời kỳ “xuất chuồng” nhưng thương lái, người buôn tại Đà Nẵng không nhập do địa phương này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19.
Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, hiện UBND huyện Phong Điền, Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Phong Điền cùng vào cuộc để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, xong hiện tại cũng đang rất khó khăn.
Nhằm "giải cứu" vịt cho bà con kính mong các cấp, ngành, tập thể và cá nhân hãy chung tay giúp đỡ bà con nhân dân trong giai đoạn khó khăn này.
Trọng lượng vịt: 2,7-3kg/ con. Giá bán 120.000 đồng/ con đã làm xong; 100.000 đồng/con chưa làm xong (nguyên lông).
Địa chỉ liên hệ mua vịt là 270 Nguyễn Văn Linh, thành phố Huế (Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh). Điện thoại: 0772.856 (anh Hoàng Đức Đạt - Cán bộ Trung tâm) hoặc 0799.988.398 (Chị Hoàng Thị Liên - Chủ trang trại).