dd/mm/yyyy

An Giang được yêu cầu tập trung tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu An Giang thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó tập trung phát triển sản xuất tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng cường bền vững trong dài hạn.
An Giang được yêu cầu tập trung tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: VGP

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 266/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang.

Theo thông báo kết luận, bên cạnh những thành quả đạt được, tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như hạ tầng giao thông, kết nối logicstic còn hạn chế; việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh kết quả còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, An Giang cần quán triệt nghiêm túc và chủ động xây dựng các Nghị quyết, đề án, quy hoạch để triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết về xây dựng, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và An Giang.

Đồng thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân với các giải pháp như giảm lãi suất cho vay, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư tư nhân và thu hút FDI, nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản xuất khẩu,…

Làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu An Giang phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

An Giang cũng cần chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quý 3 năm 2023.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, Chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến. Xây dựng các cụm công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị.

Tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và các dự án trọng điểm của tỉnh, khai thác lợi thế giao thông đường thủy.

Xây dựng các nút giao kết nối các trung tâm kinh tế với đường cao tốc, khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu đô thị, dân cư… với đường cao tốc, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới hai bên đường cao tốc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu An Giang thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó tập trung phát triển sản xuất tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng cường bền vững trong dài hạn. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt quan tâm tới tình trạng sạt lở đất…

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; phát triển các sản phẩm đặc thù, riêng có, nhất là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động du lịch.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi.

Tập trung phát triển mạnh kinh tế biên giới, đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục và đào tạo con em người dân tộc thiểu số. Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang tiếp tục phát triển tốt. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,5%; nông nghiệp tăng 3,29% (cao hơn mức tăng cùng kỳ là 2,51%); công nghiệp, xây dựng tăng 9,51%; thu ngân sách Nhà nước đạt gần 60% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 17,6%; số lượt khách du lịch tăng 15%.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ. Quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.


Bình An