Nhìn lại quá trình thực hiện TCC nông nghiệp trong 5 năm qua, tiềm lực sản xuất nông nghiệp nước ta đã tăng lên với nhiều mặt hàng nông sản gia tăng về sản lượng, đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn. Theo bộ trưởng, đâu là những kết quả nổi bật nhất sau 5 năm thực hiện TCC nông nghiệp?
Đầu tiên, quá trình TCC đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức từ Trung ương đến địa phương về sự cần thiết phải cơ cấu lại nền nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp.
Thứ hai, nhiều cơ chế chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, hỗ trợ ngành tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy sản xuất, thị trường, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Thứ ba, tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch hiện có, đồng thời nghiên cứu xây dựng mới các quy hoạch phục vụ cơ cấu lại. Các quy hoạch được xây dựng trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương, nhu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với quy mô mang tính toàn quốc và liên vùng.
Thứ tư, cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Một số mặt hàng lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Thứ năm, các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được thành lập và tổ chức lại theo Luật HTX, hoạt động ngày càng hiệu quả, dần thích nghi với cơ chế thị trường, hỗ trợ hiệu quả cho kinh tế hộ gia đình.
Thứ sáu, nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được triển khai đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính để đầu tư và đã đạt được những thành công rõ rệt.
Trong quá trình thực hiện TCC nông nghiệp, chúng ta gặp những hạn chế, khó khăn gì, thưa Bộ trưởng?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp cũng đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục mới đạt được mục tiêu đề ra. Quá trình cơ cấu lại diễn ra còn chậm, kết quả chưa đạt so với yêu cầu thực tiễn; tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Nhiều địa phương chưa có quy hoạch rõ ràng, xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế chưa phù hợp; có tình trạng sản xuất vượt quy hoạch và theo phong trào.
Năng suất lao động, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; thiệt hại do thiên tai gây ra còn lớn và phức tạp.Thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường. Tiêu thụ nông sản có lúc, có nơi bị chậm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế, chưa tạo được “đột phá”.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Thưa Bộ trưởng, đứng trước những khó khăn thách thức đặt ra cho ngành trong giai đoạn tới, Bộ NN&PTNT sẽ có những giải pháp gì nhằm khắc phục và đẩy mạnh hiệu quả thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp?
- Trên cơ sở đánh giá được những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành giai đoạn vừa qua, đồng thời nhận định được những cơ hội và thách thức đặt ra trong giai đoạn tới, Bộ NN&PTNT đã chủ động đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục và đẩy mạnh hiệu quả thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp.
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, đây được xác định là giải pháp đầu tiên, rất quan trọng để tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương này.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện, cú huých để các thành phần kinh tế, đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để đầu tư sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!