Chuyện của những ngôi nhà chờ
Những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà người dân làm ruộng phải chạy gạo từng bữa vì thiếu lương thực thì đời sống của ngư dân xóm Sáo là mơ ước của những người dân nông thôn. Người dân xóm Sáo sống nhờ "lộc" của phá Tam Giang.
Mỗi lần đổ nò cá tôm phải tính từ đơn vị tạ trở lên mà phải là cá to, cá ngon đặc sản của phá; hay mỗi mùa lụt từng đàn con chình, con lệch, con lươn trôi về dày đặc cả trộ sáo; cứ thế đổ đầy đò mang về chợ bán.
Xóm nhà chồ đó có một tên gọi phổ thông hơn đó là xóm Sáo. Sáo ở đây chính là nò sáo - một ngư cụ cố định trên phá Tam Giang.
Một người bạn học của tôi quê ở làng Thế Chí Đông, một làng nông nghiệp gần phá Tam Giang kể: "Con gái làng tau hồi nớ mà lấy được chồng xóm Sáo cứ như là bây giờ lấy Việt kiều chẳng chơi. Ngư dân phá Tam Giang có một tục kiêng kỵ đàn bà không được đi làm nghề vì sợ xui. Rứa nên được làm dâu xóm Sáo vô cùng sướng, chỉ việc ở nhà phục vụ chồng con và mỗi ngày gánh cá tôm đi chợ bán…
Tôi cũng đã nhiều lần ghé xóm Sáo chơi và ngạc nhiên trước kiến trúc của những ngôi nhà chồ bằng gỗ vừa kiên cố lại vừa rộng rãi thoáng mát. Ngồi xếp bằng nhậu trên nhà chồ nghe ngọn gió hào phóng mang theo cả mùi nước lợ từ phá Tam Giang thổi về cứ ngỡ mình đang ngồi trên một chiếc đò lớn neo trên con phá mênh mông. Nhà chồ được xây dựng kiên cố, vững chãi bằng gỗ giống như những ngôi nhà sàn ở Tây Nguyên. Dưới sàn nhà, chủ nhà để các ngư cụ đánh cá và chiếc ghe nhỏ.
Theo những ngư dân cao tuổi ở xóm Sáo phá Tam Giang thì nhà chồ đã xuất hiện ở bên con phá này cách đây hơn 60 năm. Hoàn cảnh ra đời của những ngôi nhà chồ độc đáo này là do ngư dân sống trên sông nước phá Tam Giang nên không có đất dựng nhà.
Nhà được dựng lên ngay trên chân phá vừa tiện làm nghề, vừa tiện bán buôn gần các khu chợ suốt miền thùy dương cát trắng Ngũ Điền. Ban đầu, nhà chồ chủ yếu được kết cấu bằng tre đơn sơ. Sau này, khi điều kiện kinh tế khấm khá, ngư dân của xóm Sáo Điền Hải đã dựng nhà bằng gỗ tốt như lim, kiền rồi sau này nữa là bêtông cốt sắt.
Xóm Sáo không còn chênh vênh
Với ngư dân Tam Giang, lụt là chuyện bình thường nhưng họ lại rất sợ bão. Bạn tôi kể rằng, cơn bão năm 1985 mới thật khủng khiếp, buổi chiều hôm đó, cả xóm Sáo cùng mổ heo ăn liên hoan mà không hề hay biết chi về cơn bão đang tới. Nhưng đến nửa đêm thì bão ào vô với sức gió khủng khiếp, cuốn đi gần như tất cả các ngôi nhà chồ. Vốn quen với sóng nước nên những người đàn ông xóm Sáo đã vững vàng đưa người già, phụ nữ, trẻ con lên đất liền để tránh bão. Nhưng tất cả của cải đều bị bão cuốn đi vùi dưới đáy phá.
Bạn kể tiếp: Buổi trưa hôm đó, khi gió đã yếu dần, hai cha con tui bơi ra ngôi nhà mình mong vớt được một số thứ vật dụng còn sót lại. Nhưng cũng chẳng còn chi đáng kể, sách vở, ảnh và những lá thư cũng đã lạc trôi. Rứa mà vẫn còn sót một thau cơm trắng trên tấm bè tre nằm ngay cạnh cái cột nhà. Tui đói quá bơi tới bốc cơm ăn và kêu ông già cùng ăn. Ông già tui lúc nớ cũng đói vàng mắt nhưng ông lắc đầu nói con ăn đi kẻo đói. Ăn xong rồi, bụng đã lưng lửng mới giật mình nhớ ra đó là thau cơm của nhà hàng xóm để cho lũ gà, lũ vịt ăn...
Bây chừ thì xóm Sáo đó đã định cư hẳn trên đất liền chứ không ở chênh vênh bên phá nữa. Tất nhiên rồi, nhà ở trên đất thì vững chãi, an toàn hơn trên sóng nước rất nhiều. Trong một dịp gần đây, ghé ngang xóm Sáo cũ, nhìn những ngôi nhà chồ đang bị tháo dỡ dần, lại vắng bóng người qua lại nên có chút chi đó thiệt xa vắng...
Và có lẽ những ngư dân đã lớn lên từ con nước của phá Tam Giang, úp mặt vào con phá này sẽ nhớ nhung chừng nào con nước lợ, tiếng sóng rì rào của phá Tam Giang...