dd/mm/yyyy

Xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới Nậm Nhùn

Thời gian qua, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) đã nỗ lực huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bộ mặt nông thôn của huyện được “thay da đổi thịt”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Được thành lập năm 2012, Nậm Nhùn là một trong số 56 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ. Huyện có 11 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tới 95%. Với 9/10 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó có 3 xã biên giới. Do đó, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nậm Nhùn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Khó khăn lớn nhất là đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được đầu tư. Việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới của huyện Nậm Nhùn gặp nhiều hạn chế. Mặt khác, chính quyền một số địa phương và người dân chưa nhận thức đầy đủ về việc xây dựng nông thôn mới, còn lúng túng trong chỉ đạo.

Xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới Nậm Nhùn - Ảnh 1.

Chương trình xây dựng nông thôn mới giúp người dân Nậm Nhùn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây, con có giá trị kinh tế.

Vượt lên những khó khăn, thách thức đó, huyện Nậm Nhùn đã rà soát lại quy hoạch, nắm thực trạng về các tiêu chí trên địa bàn. Từ đó, lập kế hoạch, nghị quyết, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xác định các vùng sản xuất, các công trình hạ tầng cần đầu tư và sắp xếp lại dân cư. Đồng thời, huyện thành lập Ban Chỉ đạo nông thôn mới từ huyện đến xã. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình triển khai cho cả giai đoạn và từng năm, đảm bảo sát với tình hình thực tiễn của địa phương; trong đó, xác định mốc thời gian và quy mô phấn đấu xây dựng nông thôn mới của huyện.

Ngoài ra, huyện chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án như: Chương trình 135/CP, 30a, Đề án 3 dân tộc… đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, rà soát tiềm năng, lợi thế của từng vùng để xác định các cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới Nậm Nhùn - Ảnh 2.

Mô hình trồng chanh dây tại bản Phiêng Luông 2 (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn), giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Một trong những yếu tố không thể thiếu trong xây dựng nông thôn mới là vai trò chủ thể của người dân. Xác định điều này, trong quá trình thực hiện huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức rõ hơn về chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, người dân tích cực phát huy vai trò, chủ động chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, hiến đất, góp công sức làm đường giao thông, nhà văn hóa. Không chỉ dừng lại ở đó, người dân còn thi đua phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa rộng khắp trên các xã, thôn, bản của huyện - ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện hồ hởi cho biết thêm.

Chia tay ông Phó Chủ tịch UBND huyện, chúng tôi ghé thăm xã Mường Mô, một trong 3 xã đầu tiên của huyện Nậm Nhùn đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2016). Trước khi xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế, thu nhập của người dân chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng, đường giao thông, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa ở xã gần như chưa có... 

Ông Trần Anh Đôn, Chủ tịch UBND xã Mường Mô vui mừng cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây, con có giá trị kinh tế; trong đó tập trung chăn nuôi đại gia súc và mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Từ đó, tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 26,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,04%.

Xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới Nậm Nhùn - Ảnh 4.

Đường giao thông đang được nâng cấp và sửa sang lại làm cho bộ mặt nông thôn huyện Nậm Nhùn ngày càng "thay da đổi thịt".

Sau hơn 8 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện biên giới Nậm Nhùn ngày một khởi sắc. Toàn huyện hiện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,1 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 28 triệu đồng/người/năm, tăng 2,1 lần so với năm 2015. Tỷ lệ giảm nghèo giảm từ hơn 40% năm 2015 xuống còn 19,6% năm 2020. Bên cạnh đó, Nậm Nhùn cũng đã xây dựng vùng cây ăn quả hơn 200 ha; 100 ha lúa chất lượng cao; 63 ha cây mắc ca. Tập trung phát triển các cây trồng mới như chanh leo, dứa, lê, trám, gỗ tếch, dược liệu; hình thành và phát triển 240 lồng cá trên lòng hồ thủy điện, sản lượng hàng năm đạt trên 150 tấn.

Cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được đầu tư nâng cấp, 100% các xã có đường ô tô và được bê tông hóa, nhựa hóa đến trung tâm huyện. Hạ tầng giao thông nông thôn của huyện đang từng bước được hoàn thiện. Các công trình thủy lợi, chợ trung tâm xã, trường học, nhà văn hóa… được kiên cố hóa, phục vụ cho giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện Nậm Nhùn đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện phấn đấu không còn xã dưới 15 tiêu chí và thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư, ưu tiên nguồn lực cho những xã gần đạt chuẩn. Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với xã đã đạt chuẩn; đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới"…

Vinh Duy - Thuý Hạnh