dd/mm/yyyy

Vườn dưa lưới công nghệ cao đầu tiên ở An Phú

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao An Phú, huyện An Phú (An Giang) là đơn vị đầu tiên của tỉnh An Giang triển khai thực hiện mô hình dưa lưới công nghệ cao. Qua 3 năm thực hiện, mô hình đã chứng tỏ hiệu quả về mặt doanh thu và mở ra hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.

Mô hình dưa lưới tại An Phú được trồng trong nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Theo anh Nguyễn Văn Đệ, chuyên viên kĩ thuật, (cũng là người tham gia đóng góp vốn liên kết từ những ngày đầu tiên), mô hình dưa lưới được triển khai từ năm 2014. Tới nay, mỗi năm dưa lưới đều đã cho thu đều đặn và cung cấp không đủ cho thị trường.

Dưa được trồng trong nhà màng, đảm bảo hạn chế sâu bệnh và cho chất lượng ổn định.

“Hiện, chúng tôi có 4 khu nhà lưới phân phố ở 4 xã khác nhau trên diện tích 4.500m2. Năm đó chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000m2 là hơn 500 triệu đồng. Nhưng đến nay, chi phí đầu tư đầu vào đã giảm đi rất nhiều do có nhiều nhà cung cấp hơn. Toàn bộ sản phẩm của Công ty đã được các đơn vị bao tiêu. Dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng bù lại năng suất, chất lượng dưa vượt trội, được giá, lợi nhuận thu được cao nên khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn, từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 75 - 90 ngày nên có thể trồng được từ 3 - 4 vụ/năm”, anh Đệ cho hay.

“Người nông dân có thể đóng góp vốn, đất đai, chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ. Khi nông dân có nhu cầu liên kết, họ tìm đến, chúng tôi sẽ xem xét dựa trên đam mê, cũng như mong muốn của họ, để rồi chuyển giao công nghệ và bao tiêu đầu ra”. Anh Nguyễn Văn Đệ

Cũng theo anh Đệ, làm nông nghiệp không giống với làm các lĩnh vực khác. Muốn phát triển được, đầu tiên phải đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Từ sản phẩm tốt, đem đi quảng bá đối tác cùng người tiêu dùng mới tin tưởng. Hiện, dưa lưới của Công ty chưa có chứng nhận VietGap nhưng mỗi mùa thu hoạch, đều phải mang lên Cần Thơ kiểm tra trước khi đem bán.
 
Có những mùa thu hoạch, phải đem bỏ toàn bộ trái dưa đi vì không đảm bảo chất lượng. Có vụ dưa, trái nào trái nấy đều trơn, nhẵn, dài như quả đu đủ, không giống như quả dưa lứa bình thường, phải bỏ đi. Anh Đệ thiệt hại hơn 100 triệu vụ dưa đó. Toàn bộ dưa lưới thu hoạch được đều phải đảm bảo kích cỡ, độ ngọt theo đơn vị bao tiêu yêu cầu.

“Mỗi nhà cung cấp lại yêu cầu khác nhau, như ở miền Bắc, yêu cầu quả từ 1,2 – 1,8 kg, ở TP.HCM lại yêu cầu 1,8 – 2,5kg, còn ở ĐBSCL lại từ 3kg trở lên. Những quả nào chưa đạt được độ ngọt, hay không đảm bảo kích cỡ sẽ bị loại ra. Nhiều khi không đạt yêu cầu, chúng tôi phải đem dưa đổ cho mấy trang trại nuôi vịt ăn”, anh Đệ chia sẻ.

Dưa lưới có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon. Nhưng để ra được quả dưa người trồng phải đảm bảo được quy trình kĩ thuật khắt khe. “Khi mới trồng ban đầu, nhiều người không biết quả dưa lưới là quả gì. Chỉ thấy quả xanh lè, ai nhìn cũng sợ. Mình phải mời người ta ăn thử. Mang lên TP.HCM để những người quen dùng thử. Người ta góp ý dần dần, mới điều chỉnh độ đường, độ thơm của quả”, anh Đệ cho biết.

Từ thành công của mô hình dưa lưới, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao An Phú đang có hướng mở rộng liên kết với người nông dân để cùng sản xuất. Tất cả những công nghệ đều được đội ngũ kĩ thuật của Công ty điều chỉnh theo hướng dễ làm, gần gũi nhất để nông dân có thể cùng triển khai.

San Nguyễn