dd/mm/yyyy

Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khi xuất khẩu vào Trung Quốc

Theo Văn phòng SPS Việt Nam: Hiện nhiều nhóm hàng nông sản như: gạo, trái cây, cà phê… xuất khẩu sang Trung Quốc tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng.

Thông tin trên được bà Trần Bích Ngọc, Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái chia sẻ tại hội nghị "Hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc" do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp cùng Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái tổ chức mới đây tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Bà Trần Bích Ngọc, Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết, năm 2023 đánh dấu sự phục hồi từng bước của hoạt động xuất nhập khẩu trong nước nói chung và trên địa bàn thành phố Móng Cái - Quảng Ninh nói riêng sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Theo bà Trần Bích Ngọc, hoạt động thông quan hàng nông sản, thủy sản ở Móng Cái được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia.
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa trong thời gian tới. Đây là thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư sản xuất, tăng cường hội nhập, tìm kiếm đối tác, cũng như khai thác hết tiềm năng của thị trường này.
Bên cạnh việc phát huy những những lợi thế, bà Trần Bích Ngọc cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư để tăng năng lực cung cấp dịch vụ logistics, bảo quản hàng hóa theo chuỗi từ vùng sản xuất tới các kho.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, chuyển đổi số để tăng hiệu quả, giảm chi phí trong chuỗi liên kết xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc...  Các doanh nghiệp nâng cao năng lực theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của nước nhập khẩu.
Là đơn vị chuyên về xuất khẩu các sản phẩm thủy sản, ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Vỹ Tuyến, trụ sở thành phố Móng Cái vui mừng cho biết, dự kiến doanh thu công ty năm nay sẽ tăng đột biến, khoảng 160 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm ngoái.
Để có được kết quả tốt như vậy, ông Trần Văn Út cho biết do doanh nghiệp có lợi thế trụ sở ở Móng Cái nên điều kiện tiếp cận khách hàng rất thuận lợi. Ngoài ra, chính quyền địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng SPS Việt Nam đã rất quan tâm, kết nối, hướng dẫn tận tình cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp đã tiếp cận được nhiều hơn với bạn hàng Trung Quốc.
Đặc biệt, sau khi Lệnh 248 về quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực, với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh lĩnh vực thủy sản, công ty đã nghiên cứu sâu và tìm hiểu, nắm bắt những quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc nên mọi việc rất thuận lợi.

Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khi xuất khẩu vào Trung Quốc- Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VT

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, thời gian đầu thực hiện hai lệnh trên, các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu một số sản phẩm như hạt điều, hạt tiêu, cà phê... gặp chút vướng mắc.

Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng SPS Việt Nam với cơ quan hải quan Trung Quốc nên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu. Trong thời gian tới, Văn phòng SPS sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan hải quan Trung Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cập nhật hồ sơ, cũng như trong vướng mắc liên quan đến kiểm dịch động thực vật.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Cục Thú y, Cục Trồng trọt, Văn phòng SPS Việt Nam đã hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu theo Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc; từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường tỷ dân.

THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM

P.V