Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hoá toàn quốc.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc tại điểm cầu tỉnh Sơn La có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố tại điểm cầu các huyện, thành phố.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Theo đó, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước từng bước được nâng cao. Việc xây dựng văn hoá trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động.
Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Chủ động mở rộng hợp tác văn hoá với các nước, thực hiện đa dạng hoá các hình thức văn hoá dối ngoại đối ngoại, thu được kết quả rõ rệt cả bề rộng lẫn chiều sâu, song phương và đa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, trong 35 đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém. Đó là việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về văn hoá có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc thể chế hoá đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hoá, con người chưa theo kịp yêu cầu.
Môi trường văn hoá gia đình - nhà trường - xã hội có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Việc xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế tuy đã được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể triển khai, nhưng kết quả còn chưa tương xứng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc..."
Hội nghị cũng đã đề ra một số định hướng và giải pháp về việc thực hiện đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về văn hóa; chiến lược dài hạn quy hoạch, đào tạo; thực hiện, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.
Theo Tổng Bí thư, Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá. Đó là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.