BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3 cho biết, ngải cứu là loại rau dược tính cao. Trong dân gian, cây ngải cứu được dùng nhiều trong những bài thuốc chữa các bệnh thông thường, đặc biệt là tác dụng tốt với cầm máu, điều hòa kinh nguyệt, chữa đau đầu, tiêu chảy, chướng bụng.
Ngải cứu được dùng như một loại rau ăn thường ngày của nhiều gia đình và được yêu thích với vị hơi đắng và thơm. Dưới đây là một số tác dụng của ngải cứu.
Tác dụng của ngải cứu
Chữa bệnh về xương khớp
Nhờ tính ấm nên ngải cứu được dùng phổ biến trong những bài thuốc chữa bệnh về xương khớp. Cây có tác dụng giúp lưu thông khí huyết, tăng cường khả năng lưu thông máu, tốt cho hệ xương khớp, giảm đau, kháng viêm, nhất là với những người bị gai cột sống, thấp khớp. Bạn có thể giã ngải cứu lấy nước cốt pha mật ong để uống hoặc đâm nhuyễn làm thuốc đắp.
Hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt
Với tính ấm, ngài cứu được dùng làm bài thuốc hữu hiệu trong việc hỗ trợ làm giảm đau bụng kinh, đau lưng. Chúng cũng là bài thuốc giúp hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt với những người có kỳ nguyệt san không đều.
Giúp làm đẹp da, giải cảm
Việc dùng lá ngải cứu khô để nấu nước ngâm chân có thể đẩy nhanh quá trình lưu thông khí huyết, đả thông kinh mạch, điều hòa âm dương trong cơ thể, trừ cảm lạnh.
Ngoài ra, cách ngâm chân bằng lá ngải cứu giúp đẩy khí lạnh từ trong người ra ngoài. Nhờ đó trông bạn có sức sống hơn, da mặt sẽ trở nên hồng hào căng bóng, ngày càng rạng rỡ.
Tác dụng an thai
Trong dân gian, ngải cứu là bài thuốc hữu hiệu hỗ trợ điều trị những trường hợp phụ nữ mang thai dọa sảy, giúp an thai hiệu quả. Đây cũng là bài thuốc áp dụng cho những phụ nữ mắc chứng tử cung lạnh, khó mang thai.
Tuy nhiên, bài thuốc này chỉ có tác dụng khi được sử dụng đúng liều lượng và kết hợp với một số loại thảo dược khác để làm tăng dược tính của ngải cứu.
Giúp cầm máu
Thành phần trong ngải cứu tác dụng tốt giúp cầm máu, kháng viêm, sát khuẩn, giảm đau. Nhờ thế, đây là bài thuốc hữu hiệu áp dụng cho những trường hợp cần sơ cứu nhanh và khẩn cấp, nhất là những trường hợp bị thương, đứt chân tay, bị rắn cắn.
Chữa chứng suy nhược cơ thể
Ngải cứu trong dân gian được biết đến là bài thuốc bổ vô cùng hữu hiệu. Lá của cây kết hợp với hạt sen, táo đỏ, dùng để hầm gà ác là món ăn đại bổ giúp khai thông khí huyết, trị chứng chán ăn, suy nhược cơ thể ở những người mới ốm dậy, bệnh lâu ngày.
Chữa mẩn ngứa, nổi mề đay
Trong tinh dầu ngải cứu có thành phần chống viêm, kháng khuẩn rất tốt nên được dùng làm bài thuốc hữu hiệu, tác dụng chữa mẩn ngứa, mề đay, mụn nhọt… Ngải cứu tươi có thể làm nhuyễn đắp trực tiếp lên vết mẩn ngứa hoặc mụn nhọt giúp kháng viêm hiệu quả tốt. Bạn cũng có thể dùng để đun lấy nước tắm chữa rôm sảy, mề đay.
Chữa bệnh đường hô hấp trên
Ngải cứu còn được dùng kết hợp với một số loại thảo dược khác như: lá bưởi, khuynh diệp, để chữa các chứng cảm mạo, ho khan, đau họng. Ngải cứu còn được dùng đun nước uống hoặc xông ngải đều rất tốt với những trường hợp này.
Uống nước ngải cứu hàng ngày có tốt không?
Mặc dù ngải cứu có nhiều tác dụng rất tốt đối với sức khỏe nhưng việc lạm dụng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú không được sử dụng trà ngải cứu vì chất thujone trong đó có thể gây sảy thai. Một số hợp chất khác có thể bài tiết qua sữa mẹ, không tốt cho trẻ sơ sinh.
Một số người cơ địa dị ứng có thể bị dị ứng với phấn hoa ngải cứu với các biểu hiện như phát ban, sưng họng, lưỡi, môi, đau dạ dày hoặc da bị kích ứng.
Như vậy, trà ngải cứu từ lâu đã được sử dụng như thức uống yêu thích đối với nhiều người, đặc biệt là phụ nữ vì giúp điều hòa kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh. Ngoài ra nó còn hỗ trợ giảm cân, cải thiện các vấn đề về tiêu hóa, trí nhớ. Tuy nhiên, quá lạm dụng thức uống này vì có thể gây hại cho sức khỏe. Vì thế bạn chỉ nên sử dụng nước ngải cứu trong một thời gian ngắn và khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.