dd/mm/yyyy

Tự hào nông dân Việt Nam 2017: Vượt qua tật nguyền, thắp lên khát vọng giữa đồi hoang

Mìn nổ không chết, vợ bỏ đi khi con mới 4 tuổi, chăn nuôi thất bát liên tục, bản thân chết hụt vì “thần sét”, cuộc đời của anh Nguyễn Đình Tuấn là chuỗi bi kịch nghiệt ngã. Thân thể tàn tật cụt 2 tay, 1 chân, duy chỉ còn 1 chiếc chân lành lặn nhưng bằng nghị lực phi thường anh đã vượt lên số phận, viết lên câu chuyện làm giàu tươi sáng giữa khu đồi hoang vu…

Anh Tuấn nuôi gà lai chọi quy mô lớn có nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu mỗi năm. Ảnh: Phú Lãm.

“Tai nạn” thảm khốc

Anh Tuấn sinh năm 1978, anh là con thứ ba trong gia đình có 5 người con ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ngôi nhà vị “tỷ phú” tật nguyền sinh sống nằm chót vót trên quả đồi vắng vẻ. Đường vào nhà anh quanh khuất, rậm rạp những cỏ cây chen lối. Trên ngọn đồi ấy, nhiều năm nay chỉ có một người đàn ông cụt 2 tay, 1 chân sinh sống… làm giàu.

Nhiều năm trôi qua, mỗi khi nhớ về cái ngày định mệnh năm 10 tuổi làm anh Tuấn rưng rưng xúc động. Lời kể xen lẫn bàng hoàng, xót xa. Đận ấy, cậu bé Tuấn đi chăn trâu cùng 4 người bạn trong xóm. Tình cờ người lớn tuổi nhất nhóm nhặt được 1 quả mìn sót lại sau chiến tranh. Hiếu kỳ, Tuấn cùng các bạn xúm lại xem người anh nghịch mìn. Chẳng may quả mìn phát nổ, hậu quả 3 người chết ngay tại chỗ. Duy chỉ có Tuấn may mắn thoát chết. Tuy vậy, cuộc sống của Tuấn lâm vào cảnh nghiệt ngã bởi 2 tay bị cụt; sức nổ của quả mìn còn “bóc” hết các cơ bắp một bên đùi khiến Tuấn cụt 1 chân.

Dù tay, chân không lành lặn nhưng anh Tuấn rất khéo léo. Anh Tuấn rót nước mời khách. Ảnh: Phú Lãm.

Kể từ tai nạn nghiệt ngã, Tuấn phải bỏ dở học hành. 2 năm đầu sau tai nạn, sức khỏe của Tuấn yếu ớt. Nhận thấy một cuộc sống hoàn toàn mới, cậu bé phải tập lại từ đầu những việc làm vốn thuần thục trước đó: Tập xúc cơm bằng đôi tay cụt lủn, tập ngồi, tập đứng, tập di chuyển bằng nạng gỗ. Nhiều lúc bị ngã, vết thương tứa máu, nước mắt dàn dụa. Kẹp chiếc nạng gỗ trên đôi tay cụt (tay phải chỉ còn 10cm, tay trái 30cm) Tuấn đứng lên tấp tểnh từng bước khó nhọc. 3 tháng cần mẫn tập đi cậu bé đã di chuyển thuần thục với một chân cùng chiếc nạng gỗ.

Khởi nghiệp thất bại liên tục

Nhà chót vót trên đồi, nước ở dưới suối khiến việc lấy nước sinh hoạt vô cùng khó khăn. Anh tập xách từng chút nước một. Qua những lần nấu cơm khó nhọc Tuấn nảy ra cách nấu cơm phù hợp với sức vóc. Anh thường bắc nồi lên bếp trước, sau đó đổ gạo vào nồi và dùng ấm rót nước vào, cuối cùng nổi lửa lên nấu. Dần dà, anh sử dụng được dao chặt cây, kẹp cuốc cuốc xới đất thuần thục.

Năm 1994, khi 16 tuổi, Tuấn xin bố vào trông giữ khu đồi bạch đàn rộng 4ha của gia đình. Tại đây, anh khởi nghiệp với công việc chăn trâu.

Nhà cách khu đồi 4km, mỗi sáng chàng thanh niên khuyết tật lại tấp tểnh lê từng bước khó nhọc đến nơi làm việc. Khi này, đường vào khu đồi hoang rậm còn khó khăn trăm bề. Dọc đường vào người ta vỡ nương tạo lên những hào sâu, để đi qua những hào sâu người ta bắc những khúc cây bạch đàn làm cầu.

Với người lành lặn di chuyển qua những cây “cầu khỉ” đó đã khó, với người tật nguyền như Tuấn là cả chặng đường gian truân, hiểm nguy. “Có lần trời mưa, nước bám vào cây (chiếc cầu bắc ngang hào sâu” trơn trượt. Tôi trượt chân ngã xuống suối, may nước chỉ lấp xấp, tìm cách bò lên. Hơn 1 giờ sau mới ngoi được lên bờ, người ướt đẫm nước, bùn đất nhoe nhoét. Hôm ấy, suối mà nước sâu có lẽ tôi chẳng còn nữa”, Tuấn kể.

Sau lần “chết hụt”, Tuấn được bố xây cho một ngôi nhà đá trên khu đồi. Từ đấy, Tuấn ở luôn lại trên đồi. Một mình chàng trai chỉ có 1 chiếc chân lành và làm bạn với quả đồi rộng lớn, giữa chốn thâm u. Cuộc sống một mình đòi hỏi Tuấn phải tự nấu cơm, tự chăm sóc bản thân.

Nhập cư tại ngọn đồi được hơn 1 năm, Tuấn có một quyết định táo bạo những mong làm giàu. Anh xin bố bán hết vườn bạch đàn lấy đất trồng vải thiều. Vậy là, không ai ngờ con người tật nguyền đó đã tạo nên kỳ tích. Anh Tuấn trồng được 1.250 gốc vải thiều. Trớ trêu, sau 7 năm chăm sóc, ngày được thu hoạch vải cũng là lúc giá vải rẻ mạt. “Năm đó, giá vải chỉ 1.800 đồng/ kg. Nuốt nước mắt vào trong, tôi phá vải chuyển sang trồng keo”, Tuấn nói.

Anh Tuấn đổ cám cho gà ăn. Ảnh: Phú Lãm.

Cứ chỗ nào đất trống, người đàn ông tật nguyền “cắm” xuống những cây keo nhỏ bé. Anh không ngừng hy vọng về một ngày kia rừng keo xanh bạt ngàn sẽ đem đến no ấm. Mồ hôi nước mắt đổ xuống khu đồi hoang, dường như trời không phụ người cần cù, đồi keo của anh vươn cao từng ngày.

Cùng với trồng cây lâu năm, anh Tuấn còn nuôi bò, lợn và gà để cải thiện thu nhập. Thế nhưng, vui chưa lâu đã thấm buồn, năm 2007, đàn bò mắc bệnh chết sạch, đàn lợn 10 con (khoảng 60kg/ con) của Tuấn lăn đùng ra chết. Trong lúc làm ăn thất bát, anh gánh chịu nỗi đau nghẹn lời: Người vợ đầu gối tay ấp đã dứt áo ra đi sau 5 năm chung sống, bỏ lại anh – người đàn ông tật nguyền và đứa con trai bé bỏng mới 4 tuổi. “Đen đủi, cũng năm này tôi bị sét suýt đánh chết. Lần đó, sét đánh xuyên qua cửa sổ vào tường nhà, tôi đang đứng giữa nhà bị nhiễm sét, phải nằm tĩnh dưỡng mất 1 tuần mới dậy nổi”, anh Tuấn kể.

Ngày ấy, tôi phải bắt đầu một cuộc sống mới nghiệt ngã, phải tập ăn, tập đứng, di chuyển bằng nạng. Chỉ có sự cảm nhận, chả biết có thành công không. Cứ cố gắng thôi, hôm nay tập, mai lại tập. Có khi tập bị ngã đổ như cây chuối chặt, lại quệt nước mắt mà đứng dậy”, người đàn ông giàu nghị lực hồi tưởng chuỗi ngày khổ ải…
Anh Nguyễn Đình Tuấn

Sau đận “trời đánh không chết”, anh Tuấn nuôi thêm gà. Nhận thấy gà thả đồi cho chất lượng thịt ngon, lại bán được giá nên anh Tuấn quyết theo đường “chăn gà” làm giàu. Từ vài chục con gà giống ban đầu, Tuấn mát tay chăm sóc, nhân đàn lên tới hàng trăm con. Lãi ít tích thành nhiều, sau khi lưng vốn kha khá anh mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi mỗi lứa lên đến 5.000 con gà lai chọi (giống gà lai giữa gà Lương Phượng và gà chọi).

Nhờ “chăn” đàn gà lai chọi năm 2012, anh Tuấn lãi ròng gần 200 triệu đồng. Ai ngờ, vận đen vẫn đeo đẳng, sang năm 2013, gà dính dịch bệnh chết la liệt, lần này anh thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Cảm thông với hoàn cảnh của anh Tuấn, đại lý cám cho anh khất nợ tiền cám hàng trăm triệu đồng.

“Quả ngọt” từ dông bão

Vịn chiếc nạng đứng dậy trong bi kịch cay đắng “Tuấn cụt” lại làm lại từ đầu. Tái khởi nghiệp với 25 con gà giống anh Tuấn nhân đàn lên 500 con. Năm 2014, 2015 đàn gà của anh luôn được duy trì ở quy mô: 5.000 gà/ năm. May mắn, giá gà thịt phục hồi giúp anh trả hết nợ từ “cú ngã tai hại” năm 2013.

Mấy năm gần đây đồi keo đem đến cho anh Tuấn thu nhập ổn định khoảng 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh trồng keo, anh Tuấn còn trồng hàng vạn cây lim. Không ngừng vươn lên từ chuỗi bi kịch, nỗi đau chồng chất Nguyễn Đình Tuấn đã khẳng định nghị lực phi thường của một người đàn ông nhỏ bé, tật nguyền.

Không còn 2 bàn tay nhưng anh Tuấn bơm nước giỏi chẳng thua người thường. Ảnh: Phú Lãm.

Đằng đẵng những năm dài nhọc nhằn, hiện tại, có thể nói những thành công đang dần mỉm cười đối với anh. Đứng dưới con dốc ngược, chênh vênh trên chiếc nạng gỗ anh Tuấn chỉ tay lên khu đồi keo, lim hồ hởi chia sẻ: “Đã có người trả giá gần 3 tỉ đồng cơ ngơi này, nhưng tôi không muốn bán”.

Anh Tuấn cho hay, đã có lúc bố anh khuyên nên bán đồi về với gia đình xây nhà khang trang, ăn dưỡng cho nhàn nhã. Thế nhưng, khí chất của con người không cam chịu gian khó, chẳng muốn ăn không ngồi rồi nên không cho phép anh làm thế. “Rừng cây như là kho của, còn cây còn của. Lúc khó khăn quá ngả cây mà bán là có tiền, bán hết đi rồi sẽ mất cả, tiền tiêu bao nhiêu cũng hết. Hơn nữa, ở đây không khí trong lành, nơi này tôi gắn bó nhiều kỷ niệm không nỡ rời xa”, anh thổ lộ…

17 giờ, dưới cái nắng gay gắt bùng lên cuối ngày “Tuấn cụt” thẽ thọt bảo đã đến giờ cho gà ăn. Theo chân anh ra khu vườn, dưới bóng những cây vải mới được trồng lấy bóng mát cho gà vài năm nay, hàng nghìn con gà trú ẩn, đông “lúc nhúc” sặc sỡ những sắc màu.

Những con gà lớn lên từ bao nỗi nhọc nhằn. Ảnh: Phú Lãm

Thủng thẳng từng bước chậm rãi “Tuấn cụt” tiến về khu nhà kho chứa thức ăn chăn cho gà. Cúi người, anh dùng hai khuỷu tay cụt lủn hất bao cám lên vai. Người đàn ông tật nguyền lê nạng, nghiêng người vác bao cám hăng hái tiến lên đồi. Phía sau anh, tiếng gà kêu rộn rã, lố nhố theo chân chủ.

Tiến đến dưới một gốc vải ở lưng đồi anh Tuấn ghé vai, khéo léo dùng khuỷu tay cởi mép bao cám, anh nghiêng người trút cám vào thùng nhựa một cách dễ dàng. Ngay lập tức, đàn gà xúm vào mổ cám. Sau khi đổ cám ở nhiều điểm cho ăn, anh Tuấn mở vòi rót nước vào những máng uống cho đàn gà. Anh Tuấn bảo, gà nuôi thả đồi thịt thơm ngon bán được giá cao, thu nhập tốt. “Nuôi thả thế thôi, tối gà tự vào chuồng, không phải đuổi. Nuôi 7-8 tháng được bán, người ta đến tận nơi thu mua”, anh nói.

Anh Tuấn đã vượt lên số phận với cách ít ai ngờ tới. Ảnh: Phú Lãm

Nhờ chí thú làm ăn, anh Tuấn trở thành tấm gương điển hình ở địa phương. Anh được tôn vinh là gương mặt trẻ xuất sắc, tiêu biểu của thị xã Chí Linh. Nhắc đến Nguyễn Đình Tuấn người ta nghĩ đến một con người khuyết tật nhưng giàu nghị lực và tài hoa…

Chiều tà, chia tay Tuấn ra về, anh đứng bên hiên nhà cười hiền từ, cái dáng đứng một chân lành, một chân gỗ nghiêng vẹo của anh đổ dài trong bóng nắng loang lổ. Miệng anh cười, đôi mắt sáng rỡ reo vui ngời lên niềm tin và nghị lực…

Phú Lãm