Bằng sự liều lĩnh và mạo hiểm, bà tiếp tục vay vốn gây dựng đàn thỏ còn sót lại mấy chục con lên đến 4.000 con hiện nay. Trừ chi phí mỗi năm gia đình bà Cậy lãi hơn 200 triệu đồng.
Từ 5 con thỏ nái, bà Cậy gây được đàn thỏ 24 con. Tuy nhiên, sau một trận dịch, 24 con thỏ của bà Cậy đều chết hết. Ấy vậy mà, người phụ nữ U50 vẫn không hề đắn đo, mua hơn 37 con thỏ giống về nuôi tiếp. Nhưng lịch sử lặp lại với bà, đàn thỏ tiếp tục chết không rõ nguyên nhân. Tưởng rằng bà Cậy sẽ chừa mà không bao giờ nhắc đến thỏ nữa nhưng người nhà và hàng xóm lại rất ngạc nhiên vì sau mỗi lần thỏ chết bà lại lôi quyển sổ ra ghi, chép rất lâu.
Bà Cậy nhớ lại: “Lúc đấy thật sự không biết nản là gì luôn, cứ như ăn phải thuốc gì vậy, cứ nhắc đến thỏ lại thấy thích. Cứ mỗi lần thỏ chết tôi ghi lại quá trình từ lúc mua giống về chăm sóc ra sao. Sau vài lần thỏ chết la liệt, lỗ gần tỷ bạc tôi mới rút ra được kinh nghiệm và nuôi thành công khi gây dựng được đàn thỏ 4.000 con”.
Nói về cơ duyên gắn bó với loài tai dài này, bà Cậy bộc bạch: “Thực ra, tôi đến với thỏ rất tình cờ. Đó là một lần con trai tôi bắt được một con thỏ bị lạc. Nhìn chú thỏ trắng muốt đang ăn cỏ, cả nhà tôi quý lắm. Cứ như vậy theo thời gian chú thỏ này lớn dần và tôi quyết định bàn bạc với cả nhà xây chuồng mua thêm mấy con nữa về nuôi. Gia đình lại có thêm nguồn thu mới và chú thỏ này cũng có thêm bạn...”.
Từ một người không có chút kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm về chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi thỏ thế nhưng sau những lần thất bại, lỗ cạn vốn vì thỏ thì bà Cậy lại trở nên tự tin hơn khi miệt mài theo nghiệp nuôi thỏ. Hiện tại, bà Cậy đã xây dựng 2 trại thỏ với tổng số 4.000 con, mỗi năm lãi 200 triệu đồng.
Bà Cậy cho biết, thức ăn của thỏ chủ yếu là cỏ voi, cỏ mật… và thêm một ít cám. Nhiều người có chúng câu hỏi, thỏ hay mắc bệnh gì? Loài tai dài này chủ yếu mắc các loại bệnh như: tụ huyết trùng, nấm ghẻ, tiêu chảy. Khi thỏ mắc phải những bệnh này cần phải tách đàn ngay lập tức, cần chú ý tiêm văcxin 6 tháng/lần để kiểm soát bệnh xuất huyết của thỏ.
“Thường thì 1 ngày phải cho thỏ ăn 2 lần, vệ sinh chuồng trại cẩn thận, không để thỏ nóng quá sẽ dễ mắc bệnh tiêu chảy, cũng không được để chuồng quá lạnh sẽ khiến thỏ phát triển chậm, nấm ghẻ... Phải chú ý đến những con thỏ mới sinh, nếu thỏ con không tự bú mẹ thì người nuôi phải trực tiếp bắt lên giữ chặt cho bú, nếu không bú thỏ con sẽ còi cọc, phát triển chậm và chết”, bà Cậy chia sẻ thêm.
Hiện tại, bà Cậy bán thỏ giống với giá 120.000 đồng/kg và 70.000-75.000 đồng/kg đối với thỏ thịt. Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng đàn tai dài trắng muốt, bà Cậy còn nuôi thêm 200 cặp bồ câu Pháp.