Anh Thái mạnh dạn đưa các chế phẩm sinh học vào nuôi tôm, hiệu quả mang lại rất cao.
Vào những ngày cuối năm 2017, chúng tôi đến huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), một vùng đất được xem là thủ phủ của nghề nuôi tôm. Khi chiếc xe máy của tôi mới vừa dừng bánh, một người đàn ông tuổi khoảng gần 60, có nước da sạm đen của người miền biển, hồ hởi nói: “Nhờ con tôm, mấy năm nay ai cũng khấm khá cả”. Như ông bộc bạch, nghề nuôi tôm ở đây giờ không những giúp cho người dân nuôi được con cái ăn học, mà nhiều gia đình còn sắm được cả ô tô to có trị giá hàng tỉ đồng, dư tiền còn gởi tiết kiệm vào ngân hàng.
Anh Bùi Xuân Thái
Nghe xong câu chuyện, chúng tôi cảm thấy phấn khởi và tìm ngay đến một chủ hộ nuôi tôm khác để tìm hiểu sự thật. Đang loay hoay cải tạo ao nuôi, anh Bùi Xuân Thái (thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) cho hay: Gia đình đã có thâm niên nuôi tôm gần 20 năm nay. Từ một người làm thuê, qua biết cách làm ăn mà đến nay đã có một trang trại nuôi tôm bạt ngàn.
Anh kể: Nghề nuôi tôm không giống như những nghề nuôi trồng thủy sản khác, không những đòi hỏi về vốn đầu tư mà còn đòi hỏi cả về những kinh nghiệm trong sản xuất. Qua tìm hiểu, được biết qua 3 năm làm thuê, anh Thái đã bàn bạc với gia đình ra thuê đất riêng để nuôi tôm. Bước đầu, anh chỉ nuôi với diện tích 3 – 4 sào. Nhờ chi phí đầu tư giá giống tôm, thức ăn thấp, bên cạnh đó sản phẩm đầu ra bán được cao nên nhiều vụ liên tiếp gia đình anh làm ăn có lãi. Đến nay, anh đã có trang trại nuôi tôm rộng lớn với diện tích trên 2ha, với giá tôm dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/kg, mỗi năm anh có thu nhập từ 0,5 – 1 tỉ đồng.
Anh tiết lộ: “Có được thành công hoàn toàn nhờ sự trợ giúp của những loại chế phẩm sinh học có nguồn gốc rõ ràng. Theo anh, sản phẩm phục vụ cho nghề nuôi trồng thủy sản rất đa dạng và phong phú. Chính vì đó mà người nuôi muốn đưa vào sử dụng cần phải tìm hiểu rõ về nguồn gốc, quy trình sử dụng, đối tượng áp dụng,…
Với giá tôm dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/kg, mỗi năm anh có thu nhập từ 0,5 – 1 tỉ đồng
Hiện nay, anh đang áp dụng một số loại chế phẩm như: Sanolife, PondDtox, Deocarea,… “Các chế phẩm mang lại rất nhiều lợi ích, vừa ổn định nước dưới đáy ao, phân hủy các chất hữu cơ tích tụ dưới đáy, kiềm hãm sự phát triển của các loại vi rút, vi khuẩn gây ra. Ngoài ra, còn ngăn ngừa sự phát triển của dịch bệnh phát sinh, hạn chế tối đa các nguồn sinh khí độc hại như Co2, H2S, NH3. Đồng thời, giúp cho tôm tiêu hóa, hấp thụ tốt hơn, nhanh lớn và sạch bệnh.
Cùng đó, anh còn nghiên cứu cách bảo vệ trang trại nuôi của mình bằng việc dùng những tấm lưới dài treo phía trên ao nuôi, ngăn chặn được những đàn chim phá hoại tôm của gia đình. Cách làm này cũng giảm thất thoát từ 10 – 15%, nhiều hộ dân xung quanh cũng đã học tập kinh nghiệm từ anh, hiệu quả mang lại tương tự.