Trưởng thôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế
Thôn Đội 4, xã Bản Liền có 41 hộ dân, với hơn 200 nhân khẩu người đồng bào dân tộc Tày sinh sống và đây cũng là thôn xa nhất của xã Bản Liền, nằm trong khu vực vùng đệm rừng nguyên sinh. Trước đây, chưa có đường giao thông thuận lợi, đời sống cảu đồng bào Tày nơi đây còn mang tính tự cung, tự cấp, nghèo khó.
Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành, nhất là từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con người Tày ở đây đã đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực phát triển kinh tế chăn nuôi.
Đặc biệt là thu nhập từ cây chè Shan tuyết, bà con tích cực đóng góp công sức, tiền của mở đường giao thông, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đời sống người dân đã từng bước cải thiện, nâng cao và ông Lâm Văn An, người có uy tín trong cộng đồng - Trưởng thôn chính là "cầu nối" ý Đảng lòng dân đồng thuận, góp sức tạo nên chuyển biến mới trong cộng đồng người Tày nơi đây.
Ngược đồi rừng, đi sâu vào vùng đệm rừng nguyên sinh hơn 7 km đường bê tông, chúng tôi tới thôn xa nhất của Bản Liền đó là thôn Đội 4.
Sau cái bắt tay thật chặt, nhâm nhi chén chè Shan tuyết nóng tỏa hương thơm ngào ngạt, ông Lâm Văn An cho biết: Gia đình tôi hiện có 7 khẩu, với 3 thế hệ cùng chung sống. Bản thân tôi bắt đầu làm Trưởng thôn từ những năm 2005.
Người Tày ở đây có nguồn gốc từ thôn Đội 2 trung tâm xã, lên đây khai hoang từ những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, trước ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nương, chăn nuôi trâu, dê, gà lợn nhỏ lẻ, đời sống khó khăn. Năm 2004, xã có Hợp tác xã chè, gia đình và bà con tập trung trồng chè và giờ là làm chè hữu cơ đời sống đã khá hơn.
Theo ông Lâm, hiện nay, gia đình ông có 8 ha chè Shan tuyết đã và đang cho thu hoạch, cùng với chăn nuôi đàn trâu, dê, lợn, gà, ngan vịt, mỗi năm tổng thu hơn 100 triệu đồng, cuộc sống cũng ổn. Ông Lâm cũng bảo bà con tập trung chăn nuôi, trồng chè.
Nhờ vậy, giờ trong thôn có hơn 80ha chè Shan tuyết hữu cơ và 10ha ruộng lúa nước, bà con cũng tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, cuộc sống từng bước khá lên khi đã có đường bê tông giúp tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Gia đình anh Vàng A Bình là hộ tiêu biểu của thôn Đội 4, xã Bản Liền trong phát triển mô hình du lịch homestay gắn với trồng chè hữu cơ… Đây cũng là hộ duy nhất trong thôn làm du lịch nông nghiệp. Hiện nhà anh Bình có trên 12ha cây chè Shan, trong đó có 5ha chè cổ thụ từ 50 - 60 năm tuổi.
Đây chính là nguồn thu chính của gia đình và cũng là một trong những điểm du lịch trải nghiệm, anh Bình chia sẻ: Trồng lúa và chăn nuôi chỉ hết đói còn vẫn nghèo. Từ đời ông cụ để lại cho cây chè cổ, có hợp tác xã chè Bản Liền, được Trưởng thôn Lâm Văn An tuyên truyền, vận động, nhà tôi cũng tham gia là hội viên, việc tiêu thụ chè ổn định nên gia đình mở rộng diện tích trồng.
Ngoài bán chè tươi cho hợp tác xã với giá ổn định từ 16 - 17 nghìn đồng/kg chè búp tươi, gia đình tôi chế biến chè khô bán theo các giá từ 120 - 300 nghìn đồng/kg. Tùy theo loại chè búp non 2 mầm, 3 mầm, chè búp thường… 5 năm nay, trung bình tổng thu nhập gia đình trên 100 triệu đồng/năm từ trồng và thu hoạch chè Shan tuyết.
Trưởng thôn vận động bà con góp tiền xây dựng đường giao thông nông thôn
Trên cương vị là Trưởng thôn, ông An thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy ước, hương ước của thôn bản. Bà con người Tày xoá bỏ phong tục, hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, thực hiện đúng quy định Nhà nước, không còn nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, văn minh.
Đặc biệt, ông An đã phát huy vai trò trong vận động nhân dân chung tay ủng hộ xây dựng nông thôn mới, đổ bê tông xi măng tuyến đường dài 7km từ trung tâm xã lên thôn Đội 4, mỗi hộ đóng góp trên 7 triệu đồng, tổng đóng góp của người dân trong thôn được gần 300 triệu đồng.
Con đường hoàn thành giúp việc đi lại, trao đổi, vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận lợi, tạo điều kiện để người dân thôn Đội 4 vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no.
Ông Vàng A Sải, thôn Đội 4 chia sẻ: Ông An rất tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người, lại gương mẫu đi đầu trong việc của thôn như đóng góp tiền, hiến đất làm đường nên bà con nể lắm. Khi ông An tổ chức họp thôn triển khai đóng góp làm đường, nhà tôi và các hộ trong thôn đều thấy ông ấy nói rất đúng và nghe theo. Giờ có đường bê tông đi lại thuận lợi, bớt vất vả…
Trở lại trụ sở UBND xã, khi được hỏi về ông Lâm Văn An, ông Vàng A Dương, Bí thư Đảng ủy xã Bản Liền, huyện Bắc Hà (Lào Cai) nhận xét: Ông An xứng đáng là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Tày địa phương, là Trưởng thôn gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm. Đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Lâm Văn An là nhân tố tích cực, cầu nối quan trọng giữa Đảng ủy, chính quyền xã với người dân trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động bà con tin tưởng và làm theo. Sự cống hiến của ông An đã và đang góp phần giúp xã Bản Liền nỗ lực phấn đấu về đích nông thôn mới, dự kiến vào cuối năm 2024.
Với những nỗ lực cống hiến, ông Lâm Văn An, Trưởng thôn Đội 4, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng bằng khen và được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.