dd/mm/yyyy

Trường học xanh

Đến Trường Mầm non Sơn Ca 11 (quận Phú Nhuận) vào những ngày đầu tháng 12, ấn tượng đầu tiên để lại trong chúng tôi là sự hài hòa của các mảng xanh.
Học sinh Trường Tiểu học Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) trong một giờ học về môi trường.
Học sinh Trường Tiểu học Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) trong một giờ học về môi trường.

Nhằm đẩy mạnh hiệu quả triển khai mô hình “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”, từ năm học 2016 - 2017, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường (BVMT), giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm năng lượng và sử dụng vật dụng từ chất thải tái chế. Một hình mẫu với các tiêu chí “trường học xanh” dần hình thành…

Áp dụng nhiều mô hình mới

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc kiến tạo thêm nhiều mảng xanh trong trường học không chỉ đáp ứng yêu cầu xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp, mà còn qua đó tạo điều kiện giáo dục trẻ ý thức chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Ngoài các hoạt động như tổ chức cho học sinh tưới cây, nhặt lá vàng úa, thu hoạch rau ở vườn trường, ban giám hiệu còn phân công nhân viên phục vụ hàng ngày bảo vệ, chăm sóc cây xanh, tạo thành ý thức chăm sóc mảng xanh cho tất cả thành viên trong trường. Đặc biệt từ năm học 2016 - 2017, đơn vị đã tận dụng khoảng trống sân thượng ở lầu 4 để cải tạo thành vườn trồng cây cho học sinh. Nhiều hoạt động như gieo mầm, bón phân, tưới nước cho cây, nhặt lá sâu được luân phiên tổ chức giữa các lớp, tạo thành giờ hoạt động ngoại khóa bổ ích, thu hút rất đông học sinh tham gia.

Tại Trường Tiểu học Lý Nhân Tông (quận 8), bà Trần Thị Tuyết Loan, giáo viên tại đây cho biết, giáo dục học sinh ý thức BVMT được đơn vị bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, như yêu cầu học sinh tắt điện mỗi khi rời khỏi lớp học, điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa không quá 26 độ C… Nhà trường đã thay tất cả cửa gỗ lớp học bằng vật liệu nhôm, kính để tận dụng ánh sáng tự nhiên, tích hợp dạy học sinh tiết kiệm năng lượng qua các môn khoa học, Địa lý, Tiếng Việt và Toán. Ngoài ra, học sinh còn được hướng dẫn sử dụng nước sau khi rửa tay để tưới cây, tìm hiểu nguy hại của rác thải, xây dựng thói quen vệ sinh phòng học cuối mỗi buổi học, tổ chức làm và trang trí túi giấy để thay thế túi ni lông. Kiến thức về BVMT còn được lồng ghép qua nhiều hoạt động trò chơi, lễ hội, tham quan dã ngoại, thành lập các câu lạc bộ, đội nhóm tuyên truyền để qua đó nâng cao ý thức cho học sinh.

Riêng tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1), bà Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên phụ trách Phòng Giáo dục năng lượng, cho biết, nhằm tăng hiệu quả giáo dục về môi trường, đơn vị đã cải tạo phòng giáo viên ở tầng 3 thành Phòng Giáo dục năng lượng với nhiều hoạt động phong phú như máy tái sử dụng nước mưa làm nước uống, sử dụng nguồn điện chiếu sáng và hệ thống làm nóng nước uống từ tấm pin năng lượng mặt trời. Đây là phòng giáo dục năng lượng đầu tiên tại một trường tiểu học trên địa bàn TPHCM.

Ngoài ra, ở một số đơn vị khác như Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình) nhiều năm qua đã triển khai mô hình “3T trong trường học” (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế rác thải) thông qua các hoạt động phân loại chất thải rắn tại trường, lắp đặt, bổ sung thùng chứa và dán các nhãn hướng dẫn phân loại chất thải. Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) từ năm học 2016 - 2017 triển khai dự án “Văn minh hôm nay - Xanh mát ngày mai” với nhiều hoạt động như xây dựng tiết học mẫu về tác hại của rác thải, trồng cây xanh trang trí trường học, trang trí hành lang, lớp học bằng vật liệu tái sử dụng, tổ chức thi thuyết trình, thiết kế banner tuyên truyền…

Đẩy mạnh xã hội hóa để có trường học xanh

Mặc dù bước đầu đã gặt hái nhiều hiệu quả, song theo ông Nguyễn Văn Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch (quận Phú Nhuận), nguồn kinh phí dành cho việc tạo mảng xanh trong trường học hiện nay rất hạn hẹp. Khi kêu gọi hỗ trợ từ phía phụ huynh, đơn vị đã gặp thất bại vì phần lớn phụ huynh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tạo mảng xanh trong trường học. “Nhiều người lo sợ việc trồng cây sẽ tạo muỗi, thành nơi trú ngụ của côn trùng, gây nguy cơ mất an toàn trong trường học, nhưng thật ra nếu phụ huynh tìm hiểu kỹ và phối hợp tốt với nhà trường, mảnh xanh sẽ đem lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe cho học sinh”, ông Thái bày tỏ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 11 (quận Phú Nhuận) cho rằng, ngoài sự đồng lòng của ban giám hiệu và tập thể giáo viên, nhân viên trong trường về nhận thức tầm quan trọng, sự cần thiết của giáo dục BVMT, nhà trường phải huy động thêm nhiều nguồn lực từ gia đình, xã hội, thực hiện tốt công tác xã hội hóa mới đem lại hiệu quả giáo dục cao.

Đánh giá vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, xây dựng trường học xanh là nhiệm vụ ai cũng nhận thức được, nhưng không phải đơn vị nào cũng thực hiện được và thực hiện có hiệu quả trong thực tế. “Nếu quá tập trung vào các vấn đề lý luận, tuyên truyền kiến thức cho học sinh sẽ không đạt được hiệu quả, tác động lâu dài đến nhận thức và hành vi của chính các em”, ông Thanh nhấn mạnh. Về lâu dài, đại diện Sở GD-ĐT TP kiến nghị, Bộ GD-ĐT nên đưa “trường học xanh” vào một trong những tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục tại các đơn vị để hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục, không tốn thêm quy trình, tốn kém hồ sơ, giấy tờ cho các đơn vị.

Theo Nghị quyết 03/NQ-HĐND ban hành ngày 11-6-2017 về BVMT đô thị, khu dân cư, quản lý chất thải trên địa bàn TP, TPHCM đặt ra mục tiêu đến năm 2018 đảm bảo 100% người dân được tiếp cận thông tin về BVMT và duy trì trong những năm tiếp theo. Từ năm học 2018-2019, đảm bảo 100% học sinh các cấp học phổ thông được giáo dục về kiến thức và kỹ năng BVMT. Mục tiêu đến năm 2020, có 80% học sinh áp dụng những hành vi BVMT trong sinh hoạt hàng ngày và 100% trường học tham gia phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Thu Tâm