Bà Phong chia sẻ: Gia đình tôi trồng ngô nhiều năm, nhưng giá cả bấp bênh lắm, tiền giống, tiền phân bỏ ra thì nhiều nhưng thu nhập thì bết bát, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy quả chanh leo trên thị trường đang được giá cao, có thể mang lại nguồn thu lớn, tôi mạnh dạn đầu tư vốn liếng mua dây thép và vật liệu về làm giàn trên 3.000m2 đất nương. Sau đó, tôi xuống mua cây giống ở ngoài huyện Mộc Châu về trồng nên chất lượng giống tốt và ít sâu bệnh. Khoảng 4 tháng sau, vườn chanh leo của gia đình tôi bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, tôi rất vui mừng.
Theo kinh nghiệm của bà Phong, muốn chanh leo phát triển sai quả và chất lượng, nhà vườn cần bón phân chuồng hoai mục và tưới nước đều đặn. Đến thời điểm cây leo lên giàn phải tiến hành phun thuốc sinh học lên gốc và lá, để phòng tránh cho cây bị nhiễm các loại bệnh nấm dầu và bệnh thối quả. Bước tiếp theo, người trồng tiến hành cắt tỉa lá và những nhánh còi cọc giúp chanh leo ra nhiều lộc hơn, lộc càng nhiều thì chanh leo càng có điều kiện đâm hoa, đậu quả nhiều hơn.
Bà Phong tâm sự: Từ lúc chuyển sang trồng chanh leo, đời sống kinh tế của gia đình đã có cuộc sống ổn định hơn. Hiện, chanh leo ít nên được các tiểu thương tìm mua nhiều, vì thế giá cả sản phẩm của gia đình tôi luôn bán được giá cao. Trồng chanh leo không tốn nhiều thời gian, công sức chăm sóc như cây ngô nên tôi cũng có thời gian nuôi thêm 3 con bò để nâng cao hiệu quả kinh tế. Sau khi trừ chi phí, trung bình 1 năm tôi thu lãi gần 100 triệu đồng từ bán chanh leo.
Ông Vàng A Thào, Chủ tịch xã Tân Lập, cho biết: Xã Tân Lập có điều kiện thuận lợi về mặt đất tự nhiên, khí hậu mát mẻ quanh năm, rất phù hợp với trồng trọt chăn nuôi. Thời gian qua, xã đã tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi cho các bản, tiểu khu, tạo điều kiện cho người dân nắm chắc được những kỹ năng cơ bản trong phát triển mô hình trồng trọt. Qua đó, tăng nguồn thu nhập trên diện tích đất canh tác, chế biến và bảo quản sau thu hoạch.