Đa dạng giống cây trồng cho vùng hạn
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), tại các tỉnh, thành ĐBSCL từ năm 2014 đến 2016, do hiện tượng ElNino nên mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên các lưu vực sông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Cũng qua theo dõi từ năm 2014 cho thấy, nhiều mô hình trồng bắp và đại trà đã khá thành công. Ví dụ, ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) và huyện An Phú (An Giang), năng suất bắp đã đạt bình quân trên 10 tấn hạt khô/ha, lợi nhuận so với SX lúa trên cùng loại đất tăng từ 20 - 30%.
Tại vùng đất xám ở huyện Đức Hòa (Long An), năng suất bắp ở ruộng mô hình và ruộng đại trà của nông dân đã đạt 7 - 8 tấn hạt khô/ha trong vụ Xuân hè, lợi nhuận so với SX lúa cùng vụ vượt 20% trên cùng loại đất. Qua 4-5 vụ sản xuất có thể thấy, nhiều nông dân đã quen trồng bắp trên đất lúa và thực tế cho thấy, trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng ác liệt, SX lúa bị thiếu nước và giảm năng suất thì diện tích bắp đang dần được mở rộng, với các giống bắp phổ biến như DK6919, DK9901, CP333, PAC339, LCH9 (giống phù hợp cho cả thu lấy hạt hoặc thu thân lá khi chín sữa làm thức ăn xanh), SSC474…
Người dân Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do hạn hán. I.T
Nhiều tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang và Long An hiện cũng đang đưa các giống đậu nành của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam như HL07-15, HLĐN29 vào SX đại trà và một số giống mới, thích ứng cơ giới hóa như HLĐN910, HLĐN908, HLĐN904, HLĐN7940. Các giống này đều đạt năng suất hơn 2 tấn hạt khô/ha ở những loại đất chuyển đổi, góp phần cải tạo đất, tiết kiệm chi phí phân bón.
Tương tự, các giống mè của Viện như ĐH1, NA2 cũng đang được phát triển mạnh tại các tỉnh trên. Một số giống triển vọng khác như V6, TQ36 đều có thời gian sinh trưởng ngắn (65 - 70 ngày), thích hợp trồng ở vùng bị hạn, năng suất đạt hơn 1,5 tấn hạt khô/ha, lợi nhuận tăng 30% so với lúa.
Theo TS. Lê Thúy Kha (Viện KHKT nông nghiệp miền Nam), qua số liệu điều tra tại các tỉnh Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp cho thấy, những nơi nào đạt năng suất bắp Xuân hè thấp hơn 7 tấn/ha ở đất phù sa, hoặc thấp hơn 6 tấn/ha ở đất xám hoặc thấp hơn 5 tấn ha ở đất thịt nặng thì nông dân không có lời, thậm chí một số hộ bị lỗ. Nhưng, cũng tại cùng địa điểm, nhiều nông dân khác vẫn có lời, do họ tuân thủ tốt quy trình canh tác, mạnh dạn ứng dụng máy móc vào khâu gieo hạt, thu hoạch nên đạt năng suất cao, tiết kiệm chi phí, trong đó việc liên kết với các doanh nghiệp, cơ cở thu mua để chủ động khâu tiêu thụ cũng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới SX thành công.
TS.Lê Thúy Kha lưu ý, đối với những chân ruộng ở gần các vùng cửa sông, cửa biển, sau ngập lụt, đất có hiện tượng nhiễm mặn, nhiễm phèn chua, việc làm đất cần thực hiện theo kỹ thuật canh tác tuần tự theo các bước từ cày bừa, bón vôi bột để làm giảm độ phèn trong đất, sau cùng là bón phân hữu cơ để có thể cấy trồng vụ sau.
Các giải pháp phòng chống cấp bách
Cùng với bộ giống cây màu đa dạng thích hợp trồng trong vùng hạn, mặn, Bộ NNPTNT đã ban hành các giải pháp cấp bách để phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Theo đó, về nước tưới: Bà con cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, tổ chức giám sát, dự báo xâm nhập mặn đến từng cửa lấy nước để vận hành, điều tiết công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống; tổ chức các biện pháp lấy nước và trữ nước: đắp đập ngăn mặn, nạo vét hệ thống kênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến, sẵn sàng bơm lấy nước ngọt, trữ vào hệ thống kênh mương, đồng ruộng khi nguồn nước có độ mặn cho phép.
Trồng mè không đòi hỏi nhiều chi phí, thích hợp với những vùng bị hạn trên địa bàn tỉnh Long An. I.T
Đối với cây lúa trà Đông xuân muộn đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ, ở vùng nhiễm mặn >3g/lít, cần tranh thủ thời gian có nước ngọt để tích tối đa vào các kênh mương để cấp nước tưới; vùng nhiễm mặn
Với lúa vụ Hè thu, tuyệt đối không xuống giống vùng được dự báo nguồn nước nhiễm mặn >3 g/lít, vùng nhiễm mặn < 3 g/lít có thể xuống giống và phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật: sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn (như OM5451, OM2517, OM6976, OM6162, OM9921, GKG1, OM 6677); cày phơi đất, khi có nguồn nước ngọt tranh thủ rửa mặn; tăng cường bón phân hữu cơ và bón vùi vôi khi làm đất, lượng 500-1000 kg vôi bột/ha; sử dụng các dạng phân ure chậm tan như đạm vàng (Ure 46A+) hoặc đạm xanh (Ure + NEB26) để chống thất thoát đạm...
Đối với cây ăn quả, khi có nguy cơ bị nhiễm mặn, bà con chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn để hạn chế thoát hơi nước.
Khi đã bị nhiễm mặn: Bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4), vôi bột lượng 500-1000kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài, cần phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone...). Không tưới nước có độ mặn > 2 g/lít. Khi có nguồn nước ngọt, tranh thủ tích nước và tưới để giữ ẩm.