dd/mm/yyyy

Trồng cây sở, được cả rừng lại thu trăm triệu nhờ bán quả

Đi dọc tuyến đường Khùa qua xã miền núi Thịnh Thành, xen giữa những cánh rừng nguyên sinh xanh ngút tầm mắt là rừng cây sở sai quả đang vào mùa thu hoạch, nhiều hộ thu trăm triệu mỗi năm.


Gia đình ông Nguyễn Đăng Thanh ở xóm Đông Thịnh, xã Thịnh Thành (Yên Thành) năm nay thu hoạch 10 tấn hạt sở tươi, cho thu nhập 147 triệu đồng. Ảnh: Thái Dương

Thời điểm này, tại xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) người dân đang bước vào mùa thu hoạch sở; bà con phấn khởi vì vụ này năng suất và giá bán cao.

Cây sở được trồng ở xã Thịnh Thành từ năm 2007, với diện tích 50ha. Theo bà con, trồng sở ít phải đầu tư, chỉ bỏ công chăm sóc khi cây còn nhỏ chưa khép tán, sau 6 năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm 1 lứa vào khoảng thời gian từ tháng 9 - 11.

Ông Nguyễn Đăng Thanh ở xóm Đông Thịnh cho biết: Nhà có gần 2ha đất đồi rừng được quy hoạch trồng sở. Đây là vụ thứ tư cho thu hoạch, năng suất năm nay đạt trên 5 tấn/ha, được thương lái đến thu gom ngay tại rừng với giá 14,7 triệu đồng/tấn. so với các cây nguyên liệu giấy như keo, tràm, cây sở cho hiệu quả kinh tế cao.

Sở là loài cây thuộc giống chè, có thời gian sinh trưởng lâu năm, khả năng thích nghi với nhiều điều kiện địa hình và khí hậu, không bị sâu bệnh. Sản phẩm chính của loài cây này là lấy hạt để ép dầu làm thực phẩm, chế biến xà phòng, làm thuốc chữa bệnh ngoài da và dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu...

Năm nay, cây sở ở Thịnh Thành cho năng suất bình quân 5 tấn /ha, nếu đầu tư chăm sóc tốt có thể đạt 6 - 7 tấn/ha; đạt tổng sản lượng 250 tấn quả sở tươi và đầu ra ổn định; sau khi trừ chi phí, mỗi ha cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng.


Hạt sở dùng để ép dầu thực phẩm, chế biến xà phòng, làm thuốc chữa bệnh ngoài da và dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu... Ảnh: Hồng Hạnh

Theo ông Trần Đình Hạnh, xóm trưởng xóm Đông Thịnh, 4 năm qua thị trường đầu ra đối với hạt sở tương đối ổn định. Năm ngoái, giá sở 14.000 đồng/kg, năm nay tăng lên từ 14,7 - 15.000 đồng/kg; những hộ tham gia trồng sở đều có thu nhập khá.

Ngoài cho giá trị kinh tế cao, sở còn là cây xanh tốt quanh năm, rễ cây bám sâu vào lòng đất, không bị ảnh hưởng do thiên tai, chống xói lở do mưa lũ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và rừng đầu nguồn.

Ở huyện Yên Thành, xã Thịnh thành là địa phương duy nhất đưa cây sở vào trồng đại trà ở những khu vực đồi núi.

Những khu rừng kém hiệu quả được nông dân xã Thịnh Thành chuyển sang trồng cây sở. Ảnh: Thái Dương

Ông Trần Đình Ngà - Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành cho biết: Là xã diện tích đồi rừng lớn, với 1.400ha, vừa qua địa phương đã tham gia Dự án REDD+, để cung cấp nguồn khí thải sạch trong cộng đồng. Cùng với phát triển vốn rừng, xã đang triển khai mở rộng diện tích cây sở, hiện tại bà con đang tuyển chọn quả hạt có chất lượng để ươm giống, chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng vụ xuân 2018.

Với lợi thế là huyện đồng bằng bán sơn địa, Yên Thành có hơn 21.000ha đất rừng, những năm qua, người dân chủ yếu trồng cây keo, tràm để làm nguyên liệu giấy. Những loại cây này dễ bị đổ gãy khi có gió lốc, mưa bão; mặt khác đến kỳ thu hoạch phải khai thác đại trà nên không đảm bảo độ che phủ của rừng.


Bà con xã Thịnh Thành mong muốn được mở rộng diện tích trồng sở, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ khu vực rừng đầu nguồn. Ảnh: Hồng Hạnh

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của cây sở, huyện đang xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng sở tại những nơi chưa phát huy được hiệu quả, đặc biệt là khu vực rừng phòng hộ ở các hồ đập đầu nguồn.

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành: Thực hiện đề án phát triển vốn rừng giai đoạn 2017 - 2035, huyện đang tiến hành điều tra quy hoạch, bố trí cây trồng lâm nghiệp, trong đó ưu tiên những vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, đưa cây sở vào trồng.

Trồng cây sở là hướng chuyển đổi sản xuất cho người dân vùng bán sơn địa, góp phần bảo tồn nguồn gen cây sở, đảm bảo độ che phủ ở những khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn; đồng thời nâng cao thu nhập cho các hộ dân.

Thái Dương - Hồng Hạnh