Các hộ dân tham gia mô hình thuộc các xã miền núi, có điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết phù hợp với cây ba kích; nằm trong vùng quy hoạch trồng cây dược liệu của huyện, xã và thuận lợi cho việc tham quan, giới thiệu mô hình.
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai mô hình trồng cây ba kích tím tại xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, với quy mô 5 ha, có 9 hộ nông dân tham gia. Năm 2019, Trung tâm tiếp tục mở rộng mô hình tại xã Vinh Sơn, thành phố Sông Công với quy mô thực hiện là 5 ha, 18 hộ nông dân tham gia.
Ông Hà Thanh Thịnh ở xóm Bản Trang, xã Nghinh Tường, có nhiều năm kinh nghiệm trồng cây dược liệu ba kích, tham gia mô hình ông được bầu làm tổ trưởng tổ liên kết.
Ông Thịnh cho biết, trước đây người dân trồng ba kích mang tính tự phát, manh mún, không tập trung, tỷ lệ cây sống thấp, năng suất không được cao. Tham gia mô hình, các hộ được hướng dẫn đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng thu nhập.
Theo ông Thịnh, ba kích dễ trồng, chăm sóc; củ ba kích tím tại địa phương rất có giá, người dân bán được 180 – 200 nghìn đồng/kg củ tươi.
Tại xã Nghinh Tường, kết quả kiểm tra qua một năm trồng cho thấy, cây ba kích sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 90%, không có sâu bệnh hại. Hiện cây đã phân nhánh gốc từ 2-3 nhánh, chiều cao cây đạt từ 1,8 – 2m.
Tại xã Vinh Sơn, sau 3 tháng trồng, cây sinh trưởng phát triển tốt, đã bắt đầu phân nhánh, tỷ lệ sống trên 95%. Bước đầu đánh giá cây ba kích tím phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại các địa phương.
Hiện, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây ba kích, các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại để có biện pháp chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời ở những năm tiếp theo, làm cơ sở để tuyên truyền, khuyến cáo trước khi nhân rộng mô hình.