Ở nơi đất Nhật, xa quê hương, chị Oanh tìm đến niềm vui làm vườn, trồng rau sạch tại nhà, vừa để có rau xanh sạch ngon cho bữa cơm gia đình, vừa đỡ nhớ quê khi xa xứ.
Sau khi sang Nhật, chị Oanh đi làm được một năm thì mang thai và sinh con. Có con nhỏ nên chị chọn cách ở nhà chăm sóc bé và nấu nướng những món thật ngon cho gia đình. Vì công việc hàng ngày không nhiều nên chị chọn cách trồng những loại rau Việt như ngò gai, húng quế, bạc hà… Những món ăn của chị nấu cũng đậm chất Việt Nam khiến ông xã rất thích.
Ngoài trồng rau gia vị ăn sống, chị còn trồng thêm nhiều loại rau ăn lá như rau đay, mồng tơi. Ngắm nhìn chồng thưởng thức những món canh ngon từ rau tự trồng, chị cảm thấy ngôi nhà như ấm cúng và hạnh phúc hơn. Con của chị cũng thường xuyên được mẹ dắt ra ban công để học mẹ chăm sóc rau quả.
Chị Oanh chia sẻ về kỷ niệm khi mới tập trồng rau: “Khi có ý định trồng rau, mình nhờ ông xã đi mua đất. Vì nơi bán có nhiều loại đất, chồng mình lại mua nhầm đất làm bằng lá cây khô khiến mình trồng hoài mà cây không lớn. Sau này có kinh nghiệm nhiều hơn, mình tự đi mua đúng loại đất phù hợp nên đã có thành quả là ban công xanh tươi như vậy”.
Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, chị Oanh nghĩ rằng trộn nhiều phân bò cây sẽ nhanh lớn. Tuy nhiên, khi trồng thì cây bị xót, chậm lớn. Rút kinh nghiệm, hiện tại chị chỉ trộn khoảng 30% so với đất.
Theo chị Oanh chia sẻ, trồng rau ban công cũng cần nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc, để vừa tận dụng tối đa diện tích, vừa tạo vẻ đẹp xanh mát cho không gian nhỏ. Chị Oanh thiết kế lại các chậu để không thoát nước dưới đáy chậu nên dù không tưới 1 – 2 ngày cây vẫn tươi tốt. Lúc nào trong chậu cũng có nước dự trữ. Cách làm đơn giản này cũng giúp các chất dinh dưỡng trong đất không bị trôi hết, sàn nhà cũng không sợ bị bẩn.
Vì ban công nhỏ nên chị Oanh chọn cách trồng rau theo mùa. Mùa hè trồng các loại rau gia vị như ngò gai, húng quế, húng lủi, rau răm…, các loại rau ăn lá thông thường như rau đay, rau dền, mồng tơi, mướp, khổ qua, cà chua. Mùa đông chị lại trồng xà lách xoong, xà lách thường và các cây họ cải.
Để có được “khu vườn” nhỏ xanh tốt quanh năm ấy, chị Oanh thường trộn rác nhà bếp như vỏ rau củ với chế phẩm sinh học EM. Chị trộn một lớp đất một lớp rác bếp, hoặc có khi xay nhuyễn vỏ rau củ, vỏ chuối, vỏ trứng đổ vào gốc cây rồi phủ một ít đất lên. Mỗi ngày chị thường tưới nước rửa cá thịt, nước vo gạo cho rau. Chị Oanh lưu ý khi tưới nên tưới xuống gốc cây rau đề phòng bệnh cho rau.
Vườn rau sạch nhỏ trồng ở ban công ấy không chỉ là tình yêu với quê hương, để vơi nỗi nhớ nhà của người con dâu xa xứ, mà còn là nơi để chị Oanh cân bằng cuộc sống, để chị dạy con biết bảo vệ môi trường và yêu thiên nhiên hơn.