Trang trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt này nằm trong dự án Khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và trại sản xuất bò giống chất lượng cao, tại xã Yên Mông, TP.Hoà Bình. Trang trại có diện tích gần 30ha, quy mô chăn nuôi 1.200 con bò giống, 3.800 con bê, bò và trâu nuôi vỗ béo, phân thành nhiều khu khác nhau như khu nuôi vỗ béo, khu bò giống, khu vỗ béo trâu, khu phối trộn thức ăn, khu chế biến phân bón...
Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP T&T 159 cho biết, với tổng mức đầu tư dự án gần 300 tỷ đồng, hiện dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang nuôi 900 con bò thịt, 500 con bò Wagyu giống (giống bò đã làm nên thương hiệu thịt bò Kobe Nhật Bản nổi tiếng thế giới), 500 bò lai sinh sản và hàng nghìn con trâu.
Tuy nhiên đây chỉ là vùng “lõi” của dự án, ngoài ra công ty còn hình thành chuỗi liên kết với 1.000 hộ dân tham gia cung cấp phế phụ phẩm trong nông nghiệp và trồng cỏ làm nguyên liệu, đồng thời liên kết trong chăn nuôi bò sinh sản và bò nuôi lấy thịt.
Ông Thắng cho biết: “Hiện trang trại của chúng tôi tận thu toàn bộ chất thải từ con bò, không phải vứt bỏ thứ gì. Trung bình 1 ngày, con bò ăn khoảng 30kg thức ăn thô xanh, 40 lít nước, thải ra khoảng 20kg phân và 30 lít nước tiểu. Đây là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, nhất là phục vụ trồng cỏ. Theo đó mỗi ngày trang trại sản xuất khoảng 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, tương ứng giá trị 300 – 500 triệu đồng”.
Đặc biệt, toàn bộ chuồng trại ở đây đều sử dụng đệm lót sinh học để xử lí chất thải của con bò nên khu chuồng trại gần như không có mùi hôi, ruồi muỗi. Sử dụng đệm lót còn giúp nền chuồng ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, men vi sinh trong đệm lót còn giúp trâu bò tăng sức đề kháng với dịch bệnh…
Trong chuyến thăm trang trại bò, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra đối với ngành chăn nuôi lợn rất lớn và hiện nay vẫn chưa dừng lại, do virus vẫn đang tiếp tục lây lan, làm ảnh hưởng tới sinh kế của bà con nông dân, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Do đó, việc thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, dê... và gia cầm là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay, nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho người tiêu dùng và giảm áp lực cho ngành chăn nuôi lợn đang bị tấn công bởi dịch bệnh.