Ông Bùi Minh Họa giới thiệu về vùng nuôi thủy sản đầm Bầu
Mọi chuyện khởi đầu từ ý tưởng cải tạo khúc sông hoang ở đồng Bầu thuộc hai xã Mỹ Đức và Thái Sơn thành nơi nuôi trồng thủy sản. Nơi đó, ông đã đổ ra hàng trăm tỉ đồng và gửi gắm khát khao của cả thời trai trẻ.
“Họa cá”
Một buổi tối nhá nhem cách đây hơn 10 năm ở cổng nhà nguyên lãnh đạo huyện An Lão (TP Hải Phòng) có một người đàn ông luống tuổi đứng rụt rè một hồi rồi bấm chuông. Người đàn đó tha thiết xin mấy phút để trình bày ý tưởng cải tạo khúc sông hoang ở đồng Bầu thuộc hai xã Mỹ Đức và Thái Sơn thành nơi nuôi trồng thủy sản.
Nghe đến đây, vị lãnh đạo huyện vội cười to: “Họa ơi là Họa (Bùi Minh Họa - tên người đàn ông), có mười mấy thằng nói phét đến định khai phá đầm Bầu rồi nhưng khi ra thực tế đều bỏ cả, mất với tao gói bánh. Mày chắc cũng mất với tao gói bánh này thôi”.
Số là trước địa phương cũng đã vời nhiều chuyên gia thủy sản về để thuần phục đầm Bầu nhưng khi đến nơi đều sởn hết cả da gà hết lượt bởi không có đường mà toàn bùn lầy nước đọng, muốn vào chỉ còn nước quấn quần quanh cổ mà lội.
Ông Họa quyết tâm "thuần phục" đầm Bầu
Trước tiếng cười khẩy ấy, ông Họa vội vàng phân bua: “Không, em không phải là thằng nói phét bởi thiên hạ vẫn gọi em là Họa cá. Từ nhỏ đến lớn em đã quen với chuyện kiếm cá, thả cá rồi. Giờ đây, chuẩn bị về hưu nghe nói đầm Bầu rộng mà vẫn để hoang nên mới gặp anh để xin đầu tư…”.
Tối hôm ấy thay vì dăm phút như dự định ban đầu, lãnh đạo huyện đã giữ ông Họa lại từ 7h tối đến gần 12h khuya để say sưa nghe ý tưởng cải tạo đầm Bầu bằng cách nắn sông, dưới nước thì nuôi trồng thủy sản, trên bờ thì trồng cây. Thường vụ Huyện ủy An Lão sau đó cũng gật gù hưởng ứng ý tưởng táo bạo của ông Họa.
Vậy là từ địa vị ông chủ chỉ việc ngủ dậy nhưng mỗi tháng vẫn có thể kiếm ra 400 - 500 triệu lãi từ kinh doanh xăng dầu và xe vận tải, Bùi Minh Họa quyết chí làm nông. Khi ấy tầng tầng, lớp lớp bèo tây còn phủ kín khúc sông hoang dày đến nỗi khi mời Chủ tịch hai xã Thái Sơn và Mỹ Đức ra thị sát thuyền nan không thể len nổi đành kiếm hai tấm ván đặt lên trên, đứng trên tấm này thì rút tấm nọ, cứ thế mà tiến lên phía trước.
Bèo tây cũng là sào huyệt của lũ chuột bọ khiến cho cánh đồng gần đó rất khó cấy cày. Năm 2004 để vớt bèo trên khúc sông hoang ông Họa đã phải huy động 4 chiếc xe tải ngày đêm chuyên chở. Trong hai tháng đầu, hễ đêm hôm trước vớt hở ra được một khoảnh nước bằng vài manh chiếu thì sáng hôm sau mở mắt ra đã thấy bèo tây nở ra chêm kín. Công sức đổ xuống hệt như dã tràng xe cát.
Ông Họa (áo trắng ngoài cùng bên phải) nói chuyện với công nhân lúc phân công việc
Mất 6 tháng ròng với tổng cộng khoảng 3.000 chuyến xe tải, 68 triệu tiền xăng dầu - tương đương với khoảng 22 cây vàng theo thời giá ông Họa mới xử lý xong đám bèo tây. Vớt xong lại phải nắn dòng cho sông chảy thẳng rồi đắp hai đầu của đầm Bầu lại. Bởi đường sá chưa có nên việc đào đắp toàn bằng sức người. 300 lao động với cuốc thuổng lăn lộn trong 1 năm trời tốn khoảng 1.000 cây vàng nữa mới ra hình thù cái đảo Bầu ở giữa và đầm Bầu uốn lượn vây quanh.
Khi trang trại đã thành hình, cánh đồng gần đó bà con nhất loạt xin được chuyển nhượng đất cho ông Họa vì quá khó cấy cày thậm chí nhiều đám còn bị bỏ hoang. Có hơn 100 lá đơn được gửi đi như thế. Sự chuyển nhượng có sự chứng kiến, trọng tài của chính quyền thôn xã. Phần đa bà con sau khi nhận tiền đều tìm kiếm được nghề mới nên ông Họa đi đến đâu cũng được dân quý, dân thương, thường xuyên mời ăn, mời uống.
Hành trình 3.000 ngày đi tìm công lý
Nhưng cũng trên cánh đồng Bầu ấy vẫn còn một số hộ không chấp nhận giá đền bù của ông Họa đưa ra nên không chuyển nhượng mà vẫn tiếp tục cấy cày. Thế rồi “đám cháy” lớn được nhóm lên từ tàn lửa nhỏ là lời nói của một luật sư, đại ý rằng: “Bà con bị lừa rồi vì chấp nhận chuyển nhượng đất bằng với giá của nhà nước, quá thấp. Tôi sẽ đòi thêm cho bà con nhưng khoai bới về được 10 củ thì bà con giữ lại 7 còn phần tôi 3 củ là được”.
Tin vào những lời mật ngọt đó, đoàn người rùng rùng đi kiện. Họ gửi đơn tới tấp đến những lãnh đạo cao nhất ở Hà Nội đã đành, còn kéo lên với quy mô mỗi lần địa phương đi đón phải mất cả chục xe ô tô.
Sốt ruột vì chờ đợi, cả trăm người mà chủ yếu là phụ nữ và trẻ con được hộ tống bằng một số thanh niên trẻ khỏe ùn ùn kéo đến trang trại của ông Họa, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Ai có dao dùng dao, ai có mác dùng mác, chặt hết, phá hết!”.
Họ đốn gục hàng ngàn cây trồng, đầu độc đàn bò 50 con, thả thuốc sâu xuống đầm thủy sản khiến mấy trăm tấn cá nổi lên chết trắng. Ngày đã vậy, đêm đến cũng chẳng yên bởi vẫn có kẻ đột nhập vào khi thì phá nát các thùng nuôi ong, lúc lại tẩm xăng đốt cháy cả nhà kho chứa công cụ lao động. Lửa cháy rần rật trong đêm. Lửa cháy bùng bùng trong những mắt người đang vằn lên, đỏ rực...
Ảnh chụp lại màn hình các vụ phá hoại ở trang trại
Suốt từ năm 2005 đến 2013 hầu như ngày nào cũng có người kéo ra trang trại, ít thì vài chục, nhiều thì hàng trăm để quấy phá. Thậm chí có bà, có chị còn tụt cả… quần để thách thức ông tức điên lên lỡ tay đánh mà có cớ gây sự tiếp. Đến nước này ông đành phải đến cầu cứu Bí thư Huyện ủy hồi đó là ông Nguyễn Văn Kỉnh, xin người của Viện Kiểm sát và công an huyện đi áp tải đống giấy tờ chuyển nhượng, bìa đỏ đầm Bầu lên trên Bộ Tư pháp hỏi xem đúng hay sai.
Đống hồ sơ nặng tới mấy chục cân, nhét gần chật một cái cốp xe ô tô được chở lên Hà Nội rồi toán người lại ăn chực, nằm chờ suốt 4 ngày để có kết quả cuối cùng, ông Họa đúng. Năm 2006 chính quyền huyện An Lão tổ chức buổi họp dân để giải thích chuyện chuyển nhượng đất là đúng pháp luật.
Tại buổi đó ông Họa nói với bà con ai không chấp nhận giá đã chuyển nhượng thì trả lại tiền ông sẽ trả lại đất nhưng người nào cũng nhao nhao lên bảo đã mua sắm vật dụng hay uống rượu hết tiền rồi, giờ chỉ muốn đòi thêm thôi. Cuộc hòa giải bất thành đã khởi xướng một làn sóng kiện tụng mới từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm.
Mỗi phiên tòa trung bình cả vài trăm người theo kiện khiến cho lực lượng an ninh phải vất vả bố trí dạng “một kèm một” để vãn hồi trật tự. Trải qua 37 phiên tòa, ông Họa thắng kiện, mấy người đầu đơn quấy rối phải đi tù nhưng đổi lại là hơn 3.000 ngày ăn không ngon, ngủ không yên, tóc tai bạc trắng. Trong những ngày tháng ấy vợ ông gần như từ mặt vì khuyên chồng bỏ cuộc không thành bởi quyết tâm của ông là thà chết vì đau tim còn hơn chết vẫn mang tiếng lừa đảo.