Từ những năm 60 của thế kỷ trước, ngành y học thế giới đã bắt đầu có những nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa chế độ ăn và nhiều loại ung thư khác nhau. Đến nay, đã có rất nhiều công trình khoa học về vấn đề này được thực hiện. Trong số đó, một vài nghiên cứu đã chỉ ra, tăng cường lượng trái cây và rau củ trong chế độ ăn sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Thực tế cho thấy, những người ăn chay có rủi ro mắc tất cả các loại ung thư thấp hơn hẳn nhóm còn lại.
Nấm
Không chỉ là loại thực phẩm thơm ngon, nấm còn mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là khả năng phòng ngừa ung thư. Theo phân tích của các chuyên gia, khả năng này chủ yếu đến từ hàm lượng cao polysacharide mà các loại nấm sở hữu. Được biết, các polysacharide có mối liên quan chặt chẽ với hệ miễn dịch của cơ thể, và khi chúng ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh thì các bệnh tật, bao gồm cả ung thư sẽ khó có cơ hội “tác oai tác quái”.
Thực phẩm giàu chất xơ
Mặc dù không mang lại giá trị dinh dưỡng cho cơ thể nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chất xơ có thể giúp cơ thể phòng ngừa ung thư hiệu quả. Khả năng này của chất xơ đến từ việc chúng có thể hấp thu các độc tố trong hệ tiêu hóa, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển hóa cholesterol và lipid, đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư ruột kết. Bên cạnh đó, các loại chất xơ tiêu hóa được còn là thức ăn cho các lợi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột. Với một hệ vi sinh khỏe mạnh, nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa sẽ được giảm một cách rõ rệt.
Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: các loại hạt nguyên cám, các loại rau, bánh mì làm từ hạt nguyên cám, trái cây, nấm...
Các loại hạt
Nghiên cứu của Đại học Jena (Đức) đã phát hiện ra rằng, một số chất có trong các loại hạt dinh dưỡng như: hạt điều, hạt lanh, hạt chia, óc chó, hạnh nhân… có thể giúp kích hoạt chức năng dọn dẹp gốc tự do của cơ thể.
Các gốc tự do phát sinh từ các quá trình chuyển hóa của cơ thể. Vì luôn trong tình trạng mất cân bằng, nên nó có xu hướng chiếm điện tử của các vật chất khác. Cụ thể, nếu gốc tự do tấn công vào phân tử lipid ở mạch máu, nó sẽ góp phần gây ra xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ,…; gốc tự do tấn công vào ADN ở nhân tế bào sẽ góp phần làm thay đổi cấu trúc ADN, gây đột biến hoặc chết tế bào, gây lão hóa hoặc nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là ung thư.
Theo các chuyên gia, ăn hạt dinh dưỡng ít nhất 2 lần mỗi tuần sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Rau họ cải
Các loại rau họ cải đều chứa hàm lượng lớn các dưỡng chất thực vật có khả năng chống lại bệnh tật như: polyphenols và glucosinolates. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Asian Pacific Journal of Cancer Prevention đã chỉ ra rằng, rau họ cải là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và kháng viêm quan trọng, nhờ đó giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính phát sinh từ 2 tác nhân này, điển hình là ung thư và bệnh mạch vành. Trong số tất cả các loại rau họ cải, bắp cải tím có chứa nhiều chất oxy hóa nhất. Trong khi đó, bắp cải xanh lại có đặc tính kháng viêm mạnh mẽ nhất. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta nên phối hợp nhiều loại rau họ cải trong khẩu phần ăn để tối ưu hóa lượng dưỡng chất thu được.