dd/mm/yyyy

Thứ quả xưa “rụng thối gốc” nay thành đặc sản mùa hè, 90.000 đồng/kg

Trước đây loại quả này chín đỏ nhưng không mấy ai ngó ngàng. Những năm gần đây, thứ quả dại này lên đời thành đặc sản, được nhiều người tìm mua để thưởng thức.

Những ngày hè, dọc tuyến đường từ xã Núi Tô sang xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, người dân bày bán một loại quả rừng rất lạ, có màu đỏ au, đó là quả vải rừng.

Thứ quả xưa “rụng thối gốc” nay thành đặc sản mùa hè, 90.000 đồng/kg- Ảnh 1.

Trái vải rừng có kích cỡ chỉ bằng 1/3 trái vải thông thường, bên trong là lớp thịt trắng nõn.

Theo người dân địa phương, quả vải rừng còn có tên gọi khác là trái trường, có kích thước chỉ bằng 1/3 trái vải thông thường, bên trong là lớp thịt trắng nõn. Ngoài màu đỏ thường thấy, có cây vải sẽ ra trái màu trắng, khi chín lớp vỏ chỉ ngả sang màu hồng nhạt, mùi vị không khác biệt: Thanh thanh, chua chua, ngọt ngọt và mùi thơm nhẹ. Để dễ ăn hơn, ngoài cách ăn trái tươi, nhiều người biến tấu trộn thêm đường, lắc muối ớt hoặc kết hợp các loại trái cây khác làm thức uống giải khát mùa hè.

Thứ quả xưa “rụng thối gốc” nay thành đặc sản mùa hè, 90.000 đồng/kg- Ảnh 2.

Quả vải rừng vốn mọc hoang dại trong rừng sâu. Trước đây quả này chín đỏ cả một vùng mỗi khi đến mùa nhưng không mấy ai ngó ngàng, chỉ có những người đi rừng hái ăn cho vui. Mấy năm gần đây, thứ quả dại này lên đời thành đặc sản, được nhiều du khách tìm để thưởng thức.

Thứ quả xưa “rụng thối gốc” nay thành đặc sản mùa hè, 90.000 đồng/kg- Ảnh 3.

Chị Neáng Tim (ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết vào mùa vải chị bán được hơn chục ký mỗi ngày. Chị cho biết cây vải mọc trên núi cao, năm nào cũng ra trái. Mấy năm trước chúng chỉ là loại cây hoang. Từ khi được nhiều người biết đến, vải rừng trở thành đặc sản, hút khách, nên người dân lên núi thu hoạch rất nhiều để bán.

Tuy nhiên, mùa thu hoạch vải rừng chỉ kéo dài khoảng 2 tháng. Vì thân cây rất cao, người dân thường hái cả nhánh lớn rồi lặt gọn cành trái. Cây mọc tự nhiên, ai thu hoạch được thì đem bán. Tuy không bỏ vốn, nhưng công thu hoạch rất vất vả, nguy hiểm.

Bán vải rừng ở xã Núi Tô, chị Hoài Thương cho biết: "Những tháng hè là mùa của vải rừng. Vào ngày này, bà con rủ nhau vào rừng hái để bán ra thị trường. Tôi bán trái vải rừng đã 4 năm nay, khách du lịch đi ngang đều ghé mua ăn thử. Có người nhận xét quả này chua loét như chanh, có người bảo chúng có vị chua chua ngọt ngọt, rất thú vị".

Chị Hoài Thương chia sẻ vải rừng rất sai quả, đến mùa trái chín lúc lỉu nhưng cây vải rừng khá cao nên việc thu hái cũng rất vất vả. Đặc biệt, cây vải rừng chỉ có trong rừng sâu, đặc thù loài cây này phải trên 30 năm mới cho trái.

Thứ quả xưa “rụng thối gốc” nay thành đặc sản mùa hè, 90.000 đồng/kg- Ảnh 4.

"Loại cây này trồng trên 30 năm tuổi mới ra trái, đặc biệt 3 năm mới có trái một lần. Từ khi ra hoa đến khi trái chín khoảng 4 tháng. Trái chín màu đỏ rất đẹp, trái nhỏ bằng đầu ngón tay cái, có vị chua chua, ngọt ngọt, trái xanh chua hơn, càng chín càng có vị ngọt nhiều hơn. Quả này có thể bóc vỏ ăn luôn, hoặc dầm với muối ớt và đường, rất thích hợp với các chị em văn phòng", chị Thương nói thêm.

Từng mua trái vải rừng trên chợ mạng để ăn thử, bạn Lan Anh (ở Tp.HCM) cho hay: "Hôm đó thấy có người rao bán vải rừng trong chung cư, mình tò mò mua về ăn thử và khá ưng mùi vị của quả này. Nếu ăn luôn thì vải rừng rất chua, chua hơn hẳn so với quả vải thường thấy. Thế nhưng, nếu trộn thêm đường, lắc muối ớt để trong tủ lạnh rồi mang ra thưởng thức thì rất ngon. Mình là người thích ăn chua nên sau đó cứ có người rao bán là lại đặt mua để ăn dần".

Hiện ở An Giang, trái vải rừng được bán với giá khoảng 35.000-50.000 đồng/kg, còn trên chợ mạng chúng có giá tới 90.000 đồng/kg.

Quả vải rừng (trái trường) nói riêng và nhiều loại trái cây rừng nói chung ở vùng Bảy Núi (An Giang) được ưa chuộng bởi chúng là trái cây sạch, hiếm có, hương vị ngon lạ. Hơn nữa, ủng hộ các gian hàng này còn góp một phần thu nhập cho cư dân địa phương – những người bằng sự thân thiện, hiếu khách của mình đang tạo sức hút để phát triển du lịch bản địa.
Minh Hoa (t/h theo Tri thức & Cuộc sống, báo An Giang)