dd/mm/yyyy

Thứ quả xưa ít người biết nay thành đặc sản dân phố lùng mua, 30.000 đồng/kg

Loại quả này giúp tạo nên vị chua cho nhiều món ăn, những năm gần đây được người thành phố tìm mua về thưởng thức.

Những ngày này, người dân ở vùng đất Thanh Chương, Nghệ An đang rủ nhau thu hoạch một loại quả tạo nên vị chua trong nhiều món ăn dân dã của địa phương mà ít người biết tới, đó là quả sông.

Theo báo Nghệ An, cây sông thuộc họ măng cụt, có rải rác ở nhiều huyện trong tỉnh Nghệ An nhưng tập trung khá nhiều ở huyện Thanh Chương như xã Thanh Mỹ, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Phong Thịnh...

Đây vốn là loại cây thân gỗ lâu năm mọc tự nhiên trong rừng, đến mùa người dân hái quả để nấu canh chua, kho cá. Trong mùa hè nóng bức, chỉ cần cho quả sông vào nồi canh là đã có một món canh đậm đà vị chua.

Về sau, cây sông được nhiều người dân mang về trồng trong vườn. Từ khi trồng cây cho tới lúc ra quả phải 7 - 9 năm.

Thứ quả xưa ít người biết nay thành đặc sản dân phố lùng mua, 30.000 đồng/kg- Ảnh 1.

Được biết, quả sông có hình dáng giống quả ổi, trọng lượng từ 0,3 kg đến 1,2 kg, khi chín có màu vàng. Quả sông chín chỉ cần tác động nhẹ sẽ tách thành nhiều miếng như bị cắt. Ruột quả sông có vị chua ngọt, ăn ngon như quả măng cụt. Tuy nhiên, ăn nhiều sẽ bị say. Thịt quả sông có vị chua, dùng để làm gia vị, nấu canh chua, ngâm đường, mật làm nước giải khát, tốt cho sức khỏe... Người dân địa phương cho biết, nếu trời nắng to, sông thái lát mỏng thì phơi 2 -3 nắng sẽ khô.

Chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống, anh Tùng (ở xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương) cho biết: "Không chỉ có ở trong rừng, người dân còn mang cây thân gỗ này về trồng trong vườn nhà để vừa lấy bóng mát vừa hái quả bán. Sau khi trồng 7-9 năm, cây sẽ cho thu hoạch.

Thứ quả xưa ít người biết nay thành đặc sản dân phố lùng mua, 30.000 đồng/kg- Ảnh 2.

Mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 8 là thời điểm quả sông vào mùa. Lúc chín quả chuyển sang màu vàng đẹp mắt. Cây này cao, tán rộng nên việc thu hái cũng không dễ dàng. Ở trên cây, người hái quả sẽ leo từ cành nọ sang cành kia, dùng 1 cái sào gắn vợt để giật quả, hái được quả nào thì bỏ vào bao tải treo trên cành, lúc đầy bao tải thì dùng dây thừng hạ nhẹ nhàng xuống đất. Người biết trèo cây, gan dạ mới có thể làm được nghề hái sông".

Theo anh Tùng, mỗi cây sông lâu năm cho khoảng 3 -5 tạ quả, cây nhiều cho 6 -7 tạ, thậm chí 1 tấn.

Mùa sông, các nhóm hái sông trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) hoạt động mạnh. Họ thường đi theo nhóm từ 2 -5 người. Mỗi ngày, một người có thể hái được 2 - 3 tạ quả. Mùa sông cũng đem lại thu nhập khá cho người đi hái sông.

Ông Nguyễn Văn Dũng (61 tuổi) ở xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) cho biết: Mùa sông này, ông mua được khoảng 40 cây. Hàng ngày, vợ chồng ông phải tích cực đi hái, nếu quả chín vàng hái không kịp sẽ rụng nát hết. Mỗi cây sông thường hái nhiều lần, lần cuối sẽ thu gom hết cả xanh lẫn chín.

Sau khi hái xuống, người thu gom sẽ phân loại quả, quả đẹp để bán ngay, quả xấu (xây xát, bị sâu) dùng để thái lát, phơi khô bán hàng khô.

Nếu trước đây quả sông không ai biết đến thì giờ đây chúng thành đặc sản nhiều người tìm mua. Sau khi hái, quả được thương lái thu mua tận vườn, hoặc đóng thùng cẩn thận gửi cho khách ở khắp các tỉnh thành.

Thứ quả xưa ít người biết nay thành đặc sản dân phố lùng mua, 30.000 đồng/kg- Ảnh 3.

Cũng ở Thanh Chương, chị Hoài cho biết quả sông tại vườn có giá rẻ, quả sông tươi giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, sông thái lát, phơi khô khoảng 50.000 đồng/kg. Còn ở thành phố, thứ quả này đội giá lên cao hơn, khoảng 30.000 đồng/kg quả tươi, 130.000 đồng/kg quả khô.

"Trong vườn nhà tôi có gần chục cây sông nhưng không ai trèo hái quả được nên năm nào cũng bán nguyên cây cho thương lái. Họ đưa người đến tận vườn hái. Bán thế này không được giá bằng những nhà tự hái rồi cân lên bán nhưng cũng đỡ vất vả", chị Hoài nói thêm.


Minh Hoa (t/h)