dd/mm/yyyy

Thử loại quả mang tên một loài chim, giòn, ngon tới miếng cuối cùng

Vùng đất biên giới huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng và Tày. Thời gian qua, mô hình trồng hồng Vành khuyên tại đây phát triển không chỉ mang lại thu nhập cao cho đồng bào mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa

Điều đáng nói, những hộ trồng hồng Vành khuyên giỏi đều là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Bà con đã giúp nhau tăng gia sản xuất, mở ra hướng thoát nghèo, cùng làm giàu.

Hồng Vành khuyên là cây trồng bản địa được người dân trên địa bàn huyện Văn Lãng trồng từ lâu đời. Những năm gần đây, hồng trở thành cây trồng chủ lực của huyện, tập trung ở 17 xã, thị trấn, trong đó nhiều nhất là ở các xã: Tân Mỹ 356 ha; Hoàng Việt 132 ha; Hoàng Văn Thụ 66,7 ha… 

Năm 2020, toàn huyện Văn Lãng có 892,5 ha hồng, tăng hơn 40 ha so với năm 2019. Cây hồng sống trên đồi núi dốc, mùa đông rụng lá, mùa xuân đâm chồi nảy lộc, người trồng chỉ phải dọn cỏ gốc. Từ tháng Bảy đến đầu tháng Chín Âm lịch hằng năm, khi những quả hồng bắt đầu ngả vàng cũng là lúc người dân huyện Văn Lãng bước vào mùa thu hoạch. Người dân thu hái từ lúc 5 giờ sáng để quả đạt độ tươi, ngọt. Người thu hái sử dụng sào tre có buộc túi vải để tiện hái quả trên cao, rồi xếp vào các giỏ tre, gánh quả xuống núi.

Thử loại quả mang tên một loài chim, giòn, ngon tới miếng cuối cùng - Ảnh 1.

Bà con thu hái hồng Vành khuyên

Đây cũng là thời điểm các thương lái từ Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh... tìm về đến tận thôn bản để đặt hàng thu gom. Những quả hồng sẽ được lái buôn chọn lọc, phân loại để định giá và ngâm nước trong 3 - 4 ngày để loại bỏ nhựa chát. Giá hồng Vành khuyên năm nay dao động từ 14.000 - 18.000 đồng/kg tùy loại to hay nhỏ, đẹp, xấu, thấp hơn 8.000 - đến 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. 

Tuy nhiên, với năng suất tăng cao, người trồng hồng Vành khuyên vẫn có thu nhập cao hơn năm trước. Theo người dân địa phương, hồng Vành khuyên có phần đài hoa hằn trên núm quả, tạo nên vành rộng nên mới có tên gọi vành khuyên. Hồng Vành khuyên quả to tròn, không hạt, ăn giòn, ngọt khi quả càng già, vành khuyên càng hiện rõ. Quả hồng Vành khuyên đạt chất lượng là vỏ phải bóng, màu xanh ngả vàng, vị ngọt không sắc. Khi bổ ngang trái hồng sẽ thấy hình giống như cánh hoa, không hạt, óng ánh, giòn và ngọt.

Thử loại quả mang tên một loài chim, giòn, ngon tới miếng cuối cùng - Ảnh 2.

Năm 2016 Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh “Văn Lãng” cho sản phẩm quả hồng Vành khuyên. Từ tháng 5/2018, hồng Vành khuyên đã được chứng nhận là Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam.

Để việc sản xuất hồng Vành khuyên ổn định, đạt năng suất, sản lượng cao, Văn Lãng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc. Năm 2019, diện tích hồng VietGAP của huyện là 214 ha thì đến năm 2020 được nâng lên 340,72 ha. 

Đặc biệt, năm 2020, huyện đã triển khai hướng dẫn người dân sản xuất hồng theo hướng hữu cơ trên diện tích 30 ha tại thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ với 33 hộ tham gia. Thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP và mở rộng thị trường tiêu thụ cho hồng Vành khuyên.

Phạm Tiệp