Hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 340km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Mọi người tưởng niệm nạn nhân bão Linda hoành hành Nam Bộ 20 năm trước. Ảnh: Phạm Dự.
Sáng nay, mở đầu cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tất cả mọi người đứng dậy, dành một phút tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong cơn bão Linda 20 năm trước. Đại biểu sau đó tập trung bàn cách đối phó với bão Damrey đang nhắm đến Nam Trung Bộ.
Bão mạnh cấp 9 và khả năng tăng cấp
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sáng 2.11 áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12 ở biển Đông trong năm, có tên quốc tế là Damrey. Lúc 10h, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 380 km về phía đông đông bắc, sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9), giật tăng hai cấp.
Hôm nay bão chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có thể mạnh thêm. Đến 10h ngày 3.11, tâm bão cách bờ biển Bình Định - Ninh Thuận khoảng 400 km, sức gió tối đa 100 km/h, đạt cấp 10, giật cấp 14.
Hai ngày tới, bão có thể hơi chếch nam và sáng 4.10 đi vào các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Sức gió lúc đổ bộ có thể lên 115 km/h, cấp 11, giật tăng 3 cấp.
Dự báo của đài Việt Nam tương đồng với đài TSR (Đại học London, Anh) về cả đường đi lẫn cường độ. Đài TSR dự báo Damrey sẽ vào Khánh Hòa với sức gió tối đa 119-153 km/h.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF.
Ảnh hưởng của bão, khu vực giữa biển Đông (gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và giông mạnh, gió tăng dần từ cấp 6 đến 10, giật cấp 13-14, biển động rất mạnh. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ vĩ bắc; phía đông 111 độ kinh đông.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường nhận định bão mạnh hơn khi vào gần bờ, kèm theo mưa lớn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Mưa trong ngày 3-4/11 tập trung từ Huế đến Khánh Hòa. Từ ngày 5 đến 7/11, mưa mở rộng đến Quảng Bình, Nghệ An.
Luôn trong tình thế sẵn sàng
Theo Giám đốc Cường, vùng mưa có thể từ Bắc tới Nam, cũng có thể mưa dồn vào một khu vực. Cả hai kịch bản này đều rất nguy hiểm vì có đài quốc tế dự báo tổng lượng mưa cả đợt lên tới 1.000 mm.
"Mưa lũ có khả năng lên tới báo động 3, không loại trừ trong những ngày tới chúng ta sẽ đối mặt với loại hình thiên tai báo động trên cấp", ông Cường nói. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên.
Trong khi đó, sáng sớm nay áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Cà Mau - Bạc Liêu đã suy yếu thành một vùng áp thấp với gió dưới cấp 6 (40 km/h). Nó sẽ theo hướng tây với tốc độ 10-15 km và suy yếu thêm. Hôm nay, hoàn lưu vùng áp thấp tiếp tục gây mưa cho Nam Bộ, riêng Tây Nam Bộ mưa to.
Dự báo của đài TSR, khi vào gần bờ bão tăng cấp (đường đi chuyển từ màu xanh sang vàng).
Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh "cần cảnh giác cao độ với cơn bão số 12", phải luôn trong tình thế sẵn sàng giúp dân sơ tán đến nơi an toàn khi bão đến. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người dân để có được phương án phòng chống tốt nhất.
Thủ tướng cũng có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ. Thời tiết nguy hiểm xảy ra trong thời gian chuẩn bị sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng là Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang cần huy động cả hệ thống, triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, tránh thiệt hại tài sản.
Các địa phương khu vực ảnh hưởng mưa lũ và áp thấp (từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên) rút kinh nghiệm từ các trận lũ lịch sử năm 1999 và năm 2016, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó, đặc biệt là tại khu vực diễn ra Hội nghị cấp cao APEC.