Hướng di chuyển của cơn bão số 12. Nguồn: TTDBKTTVTW
Sức gió giật cấp 14
Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 800 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và mạnh lên. Đến 13 giờ ngày 3.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 300 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (90 - 115 km/giờ), giật cấp 14.
Đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo về tình hình tàu thuyền đang hoạt động khai thác trên biển Đông và bão số 12 sáng 2/11. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7 - 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm do bão (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 11 - 15 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 11 - 12, giật cấp 15 và yếu dần. Đến 13 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu.
Các địa phương khẩn trương ứng phó bão số 12:
Để ứng phó với bão số 12, các địa phương đã kêu gọi tàu đang hoạt động ngoài khơi vào nơi tránh trú an toàn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; có phương án sơ tán dân ở vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Tàu cá của ngư dân các tỉnh lân cận vào neo đậu, tránh trú bão tại cửa biển Sông Đốc (Cà Mau). Ảnh: Kim Há/TTXVN
Tại Ninh Thuận: UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức họp khẩn cấp để ứng phó với bão số 12 và phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam yêu cầu các cấp chính quyền, ngành, đơn vị chức năng cấm tàu, thuyền ra khơi từ 15 giờ ngày 2/11; thông báo cho các chủ phương tiện, ngư dân hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Ngành chức năng quản lý, sắp xếp các khu neo đậu tàu thuyền bảo đảm an toàn; vận động, hỗ trợ lực lượng giúp người dân di chuyển lồng bè trên biển.
Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, đơn vị quản lý chặt những công trình trọng điểm, công trình đang thi công; quản lý chặt quy trình tích, xả nước tại hồ chứa; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão, nhất là tại vùng ven biển, vùng trũng thấp; khu vực nguy cơ sạt lở đất đá.
Ninh Thuận hiện có 2.651 tàu thuyền với 16.474 lao động; trong đó 587 tàu thuyền với 5.039 lao động đang hoạt động trên biển đã liên lạc được; số còn lại đang neo đậu tại các bến cảng trong tỉnh. Dung tích 21 hồ chứa nước trên địa bàn là 151,79/194,49 triệu mét khối đạt 78,05%; trong đó một số hồ như Trà Co, Ma Trai, Tân Giang, Lanh Ra được xả lũ với mức độ nhỏ...
Ngư dân chằng chống tàu thuyền neo đậu trú bão trên sông Cà Ty, Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Tại Thừa Thiên - Huế: Từ ngày 29.10 đến 2.11, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to đến rất to, nhất là khu vực ven biển và vùng miền núi. Lượng mưa đo được ở Thượng Nhật và Khe Tre, huyện miền núi Nam Đông (thượng nguồn sông Tả Trạch) phổ biến từ 309-324mm; tại trạm A Lưới 267mm.
Riêng tại Bạch Mã (Nam Đông) có mưa rất to, lượng mưa lên tới 913,4mm. Các hồ chứa đều vượt cao trình đỉnh tràn: Hồ Truồi 39,1/36m; hồ Hòa Mỹ 35,27/35m; hồ Thủy Yên 32/30,4m. Nước về nhanh nên các hồ thủy điện bắt đầu xả lũ.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc xả lũ theo các phương án đã duyệt, tránh gây ngập lụt vùng hạ du.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 12 Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương , đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện triển khai phương án phòng chống thiên tai; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra.
Ngành chức năng hướng dẫn tàu thuyền du lịch, tàu thuyền tham gia khai thác cát sỏi trên các sông dừng hoạt động để đảm bảo an toàn khi các hồ thủy điện, thủy lợi điều tiết lũ…
Các địa phương rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất...để sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn khi cần thiết. Chủ đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông, xây dựng kè bảo vệ bờ biển, cấp thoát nước, cầu cống và nhà cao tầng đang thi công có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư .
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế chỉ đạo các đơn vị liên lạc với 688 chủ tàu thuyền biết; đồng thời kêu gọi người dân chủ động đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn...
Tại tỉnh Tiền Giang: Theo ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã liên lạc và khẩn cấp kêu gọi 100% phương tiện đang đánh bắt thủy sản trên Biển Đông vào bờ hoặc tìm nơi tránh, trú bão an toàn.
Tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành và địa phương rà soát phương án phòng chống bão, trực sẵn sàng đối phó với tình huống khẩn cấp 24/24 giờ; đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cập nhật diễn biến bão số 12 để người dân chủ động ứng phó.
Tỉnh Tiền Giang có đội tàu đánh bắt gồm 1.352 phương tiện với gần 10.000 ngư dân đăng ký hành nghề; trong đó 1.044 phương tiện đánh bắt xa bờ với gần 8.500 ngư dân. Ngư trường truyền thống của đội tàu đánh bắt tỉnh Tiền Giang là khu vực Nhà giàn DK1, vùng biển Đông Nam bộ và khu vực quần đảo Trường Sa.
Tại tỉnh Bến Tre: Bão số 12 và kết hợp triều cường cao nhất trong năm có thể ảnh hưởng đến tỉnh Bến Tre, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, Phó Ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre yêu cầu, các địa phương rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, phương án di dời, sơ tán dân.
Tỉnh Bến Tre cũng tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khu vực ven biển, cửa sông; bố trí lực lượng gia cố, khắc phục ngay những nơi còn thấp, xung yếu, nguy cơ sạt lở. Các địa phương chú ý giải pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân khu vực có hoạt động sinh kế ven biển…
Ngành chứng năng và các địa phương cấm tàu thuyền ra khơi; lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục kiểm đếm phương tiện đánh cá đang hoạt động trên biển thông báo cho ngư dân đến nơi trú bão an toàn. Các địa phương tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa tránh giông lốc; tổ chức thu hoạch lúa, tôm tránh bão…
Tại tỉnh Bạc Liêu: Các giải pháp ứng phó bão số 12, triều cường dâng cao đã cơ bản được Bạc Liêu triển khai đến các ngành, địa phương, hộ dân trên địa bàn tỉnh…
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng đã ra Thông báo về việc triển khai các giải pháp ứng phó thiên tai, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cử các đoàn cán bộ xuống cơ sở giúp dân bảo vệ vụ mùa; kiểm tra các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn…
Dự báo, bão số 12 sẽ gây mưa nhiều, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh; đỉnh triều cao nhất tại cửa biển Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) có khả năng vượt mức báo động 3 từ 0,05 - 0,25 m...
Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, điều đáng lo hiện nay là phần lớn người dân trong tỉnh Bạc Liêu chưa có kinh nghiệm ứng phó bão, nếu gió mạnh trên cấp 6 nhiều nhà dân không đảm bảo. Cùng với đó, diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang trong vụ nuôi còn khá lớn.
Do mưa bão, cộng triều cường dâng đúng vào thời điểm lũ đầu nguồn đổ về nên mực nước vùng ngọt hóa phía Bắc của tỉnh đang lên nhanh, trong khi vùng phía Nam triều cường đang “uy hiếp” khiến mọi công tác tháo thoát nước vùng ngọt gặp khó khăn. Trong khi đó vùng mặn mưa nhiều, triều cường dâng dẫn đến độ mặn giảm, tôm nuôi khó thích nghi; nguy cơ tràn bờ, vỡ đê, ngập úng thiệt hại vùng nuôi trồng thủy sản rất lớn…
Tại tỉnh Cần Thơ: Theo Đài khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, những ngày tới, trên địa bàn Cần Thơ sẽ xuất hiện mưa, mưa vừa, mưa to và kèm theo giông cần đề phòng gió giật mạnh và lốc xoáy. Đặc biệt, trong những ngày bão số 12 xuất hiện, thành phố Cần Thơ chịu thêm đợt triều cường lớn vào rằm tháng 9 âm lịch. Dự báo, mực nước trong các ngày 5, 6, 7/11 cao hơn mức báo động III từ 0,10 - 0,15m, gây ngập lụt đô thị và đe dọa đê bao thuộc các cồn trên sông Hậu…
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp khẩn trương lập phương án ứng phó bão số 12, triều cường dịp rằm tháng 9; kiểm tra, kịp thời gia cố những đoạn đê bao xung yếu.