dd/mm/yyyy

Thói quen kỳ lạ xông nhà bằng thạch tín, một người ngộ độc suy kiệt cơ thể suýt tử vong

Có thói quen xông nhà suốt 10 năm qua, người đàn ông 39 tuổi ở Lâm Đồng suýt tử vong vì ngộ độc thạch tín.

Ngày 14/8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, vừa phối hợp với một bệnh viện Đài Loan điều trị thành công cho một người bệnh bị nhiễm độc thạch tín.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân N.V.T 39 tuổi, quê Lâm Đồng cho hay anh hành nghề xây dựng gần 10 năm. Anh có thói quen xông nhà mới xây bằng thuốc bắc với mong muốn mang lại vượng khí cho ngôi nhà. Anh T. thường xuyên đã ra tiệm thuốc bắc tại địa phương để mua gói thuốc xông nhà đôi khi có dạng bột, đôi khi là cây cỏ kèm theo xác ve sầu có rắc bột màu đỏ hoặc vàng để đốt và đi vòng quanh nhà.

Những dấu hiệu ngộ độc thạch tín trên cơ thể bệnh nhân.
Những dấu hiệu ngộ độc thạch tín trên cơ thể bệnh nhân.

Gần đây, anh T. bị suy kiệt, yếu tứ chi, dù thăm khám các viện trong và ngoài nước vẫn không tìm ra bệnh. Suốt 1 năm, dù đã điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau thậm chí qua Singapore nhưng anh T. vẫn thường xuyên bị sốt, không ăn uống được, nôn ói, chân tay ngày càng yếu, không thể di chuyển.

Sau khi nhập viện tại BV ĐHYD TP.HCM, các bác sĩ Khoa Nội cơ xương khớp đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, từ đó phát hiện người bệnh nhiễm độc thạch tín. Việc điều trị cho người bệnh gặp nhiều khó khăn vì nguồn thuốc trong nước khan hiếm. May mắn, bác sĩ Khoa Nội cơ xương khớp đã liên lạc và phối hợp thành công với Bệnh viện Taipei Veterans General Hospital tại Đài Loan để điều trị cho người bệnh.

Tại Khoa Nội cơ xương khớp, bác sĩ đánh giá bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao vì có dấu hiệu: nhiễm trùng, xơ gan, nguy cơ xuất huyết do giảm tiểu cầu, suy dinh dưỡng nặng. Bệnh nhân được kê kháng sinh mạnh - phổ rộng, truyền máu, truyền tiểu cầu, chọc tháo dịch báng, bổ sung dinh dưỡng, nâng đỡ tổng trạng, đồng thời tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa: Tiêu hóa, Thần kinh, Huyết Học, Da Liễu để xác định chẩn đoán.

Nghi ngờ người bệnh bị ngộ độc thạch tín (Asen), các bác sĩ đã tiến hành thu thập mẫu máu - nước tiểu - tóc - móng của người bệnh để xét nghiệm độc chất và đúng như dự đoán, anh T. bị ngộ độc thạch tín, nồng độ Asen trong tóc, móng của người bệnh cao hơn từ 300 - 500 lần so với giá trị thông thường.

TS BS. Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp cho biết, theo y văn thì để điều trị, cần loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng phương pháp chelation – là dùng các loại thuốc có thể kết nối với kim loại nặng để nó có thể được loại bỏ ra khỏi cơ thể bằng đường tiểu.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân.

Ở Việt Nam nguồn thuốc rất khan hiếm nên bệnh viện đã liên lạc với bệnh viện Taipei Veterans General Hospital, Đài Loan. Bệnh nhân sau đó chuyển sang Đài Loan điều trị và tình hình hội chẩn luôn được giữ liên lạc ở Việt Nam lẫn Đài Loan. Sau một tháng, nhờ điều trị đặc hiệu bằng chelation, tập phục hồi chức năng mỗi ngày, điều trị tốt bệnh nền, cắt đứt nguồn phơi nhiễm, người bệnh có thể tự đi lại được mà không cần dụng cụ hỗ trợ, tăng được 6 kg so với trước khi qua Đài Loan (lúc đó chỉ còn 39 kg), tổn thương da giảm rõ rệt.

TS. BS. Cao Thanh Ngọc khuyến cáo, người dân không nên sử dụng những chế phẩm hay thuốc men không rõ nguồn gốc. Nếu có các triệu chứng của bệnh thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị bằng những thuốc đã được nghiên cứu, kiểm chứng rõ ràng về hiệu quả, độ an toàn cũng như liều lượng chuẩn xác vì đôi khi một chất với liều nhỏ có thể là thuốc chữa bệnh nhưng liều cao lại là thuốc độc gây chết người.

Phan Nhơn