dd/mm/yyyy

Thợ sửa xe đạp chế tạo hàng loạt máy nông cụ

Hơn 20 năm trong nghề cơ khí, ông Văn Đức Quynh (Quảng Trị) chế tạo nhiều máy nông nghiệp hữu ích cho người dân địa phương như máy tách hạt bắp, xay và lọc tinh bột nghệ, cắt măng gừng...

Xưởng cơ khí của ông Văn Đức Quynh (53 tuổi, trú xã Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) đặt cạnh quốc lộ 1A, tấp nập người ra vào nhờ sửa chữa, chế tạo các loại máy nông cụ.

Chiếc máy xay nghệ tươi và nhiều loại nông sản khác do ông Quynh chế tạo. Ảnh: Hoàng Táo
Chiếc máy xay nghệ tươi và nhiều loại nông sản khác do ông Quynh chế tạo. Ảnh: Hoàng Táo

Chủ xưởng cho hay, trước đây ông mưu sinh bằng việc sửa xe đạp. Với bản tính ham học hỏi, ông tự chế khung xe để thay thế cho khách hàng. Về sau, nhận thấy bản thân có khả năng chế tạo máy móc, ông chuyển sang nghề cơ khí. "Tôi nhìn bà con nông dân mướt mồ hôi làm ra nông sản, lại càng vất vả khi tìm cách chế biến nên đã chú tâm chế tạo các loại máy nông cụ", ông Quynh kể.

Quan sát người nông dân dùng máy gặt lúa đạp bằng sức người, ông cải tiến chiếc máy này, gắn thêm động cơ để con người chỉ việc đưa bó lúa vào guồng tuốt. Tiếp đó, ông chế tạo máy tuốt và thổi rơm. “Nông dân đưa bó lúa vào máy. Máy sẽ tuốt đưa hạt lúa vào bao, thổi rơm ra xa”, ông Quynh nói về những chiếc máy đầu tiên ông chế tạo cách đây hơn 15 năm. Sau này, máy gặt đập liên hợp ra đời, được nhiều người dân địa phương sử dụng và dần thay thế chiếc máy của ông Quynh.

Ông Quynh nhận được nhiều bằng khen vì thành tích sáng chế . Ảnh: Hoàng Táo
Ông Quynh nhận được nhiều bằng khen vì thành tích sáng chế . Ảnh: Hoàng Táo

Năm 2005, thấy người dân nhọc nhằn tách từng hạt ngô ra khỏi cồi, ông Quynh nghĩ cách chế tạo máy tách hạt. Chiếc máy đầu tiên hoàn thành, tách được hạt nhưng không đều, ông lại tháo các bộ phận ra, tìm cách cải tiến.

“Sau 2 năm, tôi tạm hài lòng với chiếc máy tách hạt ngô. Nay máy có thể tách được 300 kg hạt mỗi giờ, chạy bằng động cơ điện, năng suất bằng 20 lần con người tách thủ công”, ông Quynh nói và cho biết máy tách hạt ngô được Cục công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào năm 2012.

Hiện ông Quynh bắt tay vào chế tạo chiếc máy xay và vắt tinh bột nghệ, có thể xay nghệ tươi thật mịn và dùng lực ly tâm tách tinh bột ra khỏi xơ của củ nghệ. “Nhiều nông dân đặt hàng tôi chiếc máy này. Lâu nay họ lọc tinh bột nghệ bằng vải màn, năng suất thấp, lại không hết tinh bột nên hiệu quả kinh tế không cao”, ông Quynh nói.

Ngoài ra, ông cũng đang chế tạo một số máy nông cụ khác như máy cắt gừng thành lát mỏng, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu; máy cắt sắn và rau xanh; máy đánh vảy cá; máy ép vỏ lon; giàn nâng chống ngập nước cho máy ATM…

Theo ông Quynh, trong số 15 sản phẩm ông chế tạo đã có 5 sáng chế được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận. Mỗi chiếc máy với ông đều là những đứa con tinh thần, mất 2-3 năm từ chế tạo đến cải tiến, hoàn thiện.

Ông ấp ủ chế tạo chiếc máy liên hoàn xay và vắt tinh bột nghệ. Ảnh: Hoàng Táo
Ông ấp ủ chế tạo chiếc máy liên hoàn xay và vắt tinh bột nghệ. Ảnh: Hoàng Táo

Chạy xe máy hơn 100 km từ xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hoá) đến xưởng cơ khí, anh Trần Anh Đức cho biết sẽ đặt hàng ông Quynh chiếc máy xay và lọc tinh bột nghệ. “Tôi đi khảo sát nhiều nơi nhưng nhìn cấu tạo là biết không hiệu quả bằng máy của ông Quynh”, anh Đức nói và cho biết lâu nay mỗi mùa thu hoạch nghệ, anh phải thuê máy xay với giá 70 nghìn đồng mỗi tạ.

Anh Trần Dũng ở xã Hải Thượng cũng đến đặt lão thợ cơ khí thêm một chiếc máy xay nghệ. “Đầu năm 2016, tôi có mua một máy về xay rất hiệu quả, nay đến đặt thêm để về làm dịch vụ quanh xã”, anh Dũng cho biết.

Dù chỉ là nhà chế tạo máy không chuyên, nhưng nhiều sản phẩm của ông Quynh đã đạt giải thưởng cao trong các hội thi cấp tỉnh và toàn quốc. Tuy nhiên, ông tâm sự rằng: "Tôi chế tạo máy là để thoả đam mê nghề cơ khí, giúp người nông dân giải phóng chân tay, chứ không phải vì giải thưởng".

Hoàng Táo