Lễ hội năm nay cũng là mốc quan trọng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn và đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Sáng 23/2, tức mùng 8 tháng Giêng, tuy không tấp nập như ngày khai hội và cũng không phải ngày cuối tuần nhưng lối vào thắng cảnh chùa Hương vẫn nô nức từ rất sớm.
Từ 9h sáng, dòng người nối đuôi nhau từ đường vào bến Đục, đền Trình dù tiết trời đổ mưa xuân khá nặng hạt.
Năm nay, ban tổ chức đã bố trí 4.500 đò để phục vụ lễ hội, các đò được gắn biển số để ban quản lý kiểm soát, tránh tình trạng các chủ đò chèo kéo, chặt chém du khách. Theo đó, giá vé cho tuyến chính Đền Trình - Thiên Trù - Hương Tích là 130.000 đ/khách (vé thắng cảnh: 80.000 đ/khách, vé đò thuyền: 50.000 đ/khách).
Giá vé cáp treo: 160.000đ/vé khứ hồi, 100.000đ/vé 1 lượt đối với người lớn và 100.000đ/vé khứ hồi, 70.000đ/vé 1 lượt dành cho trẻ em (lưu ý: trẻ em cao trên 1,1m thì mua vé như người lớn).
Theo ghi nhận của chúng tôi, quang cảnh hành trình tham quan, trẩy hội của du khách trong ngày hôm nay ở chùa Hương diễn ra trật tự, không có cảnh chen lấn, chặt chém du khách. Với gói vé đò, vé thắng cảnh, để tranh thủ thời gian và kéo khách thì các lái đò đã mua sẵn để bán cho du khách sau khi đi đò với giá vẫn là 130.000 đồng theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có một số lái đò lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, ngoài mức giá 130.000 đồng thì có thể sẽ “vòi” thêm tiền công chở đò.
Đồng thời, từ các mùa hội trước, sau khi báo chí phản ánh thì những chủ quán ăn, nhà hàng ở lối lên chùa đã không còn trưng tấm biển nào treo bán thịt thú rừng. Năm nay, các cửa hàng vẫn tiếp tục bày bán la liệt các loại thịt động vật mà chủ quán nói rằng đó thú rừng.
Khi du khách có nhu cầu ăn hay mua thú rừng thì thì các nhà hàng sẽ phục vụ ngay. Các món ăn được chế biến từ "thú rừng" theo lời chủ quán như cầy hương, cáo, hươu, chồn, nhím... nhưng cũng có giá khá “mềm”. Những người lái đò cho biết, những con thú đã thịt này là thú nuôi được thu mua về từ các nơi chuyên chăn nuôi như Hòa Bình, Ninh Bình...