dd/mm/yyyy

Thêm "cú sốc" cho người trồng hồ tiêu Việt Nam

Năm 2016, cả sản lượng và giá trị xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đều tăng mạnh. Được mùa bội thu nên nhiều bà con tiếp tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, người trồng hồ tiêu đang phải đón nhận một thách thức lớn khi các thị trường lớn đang "siết" với hàng loạt quy định mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu chất lượng nông sản.

Châu Âu đang kiến nghị siết chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép trong hạt tiêu nhập khẩu. Ảnh TL

Thông tin mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khiến không ít người dân trồng tiêu như đang ngồi trên đống lửa.

Đó là Châu Âu đang kiến nghị siết chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép trong hạt tiêu nhập khẩu vào khu vực này.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhiều năm trước, lượng tối đa cho phép (MRLs) của hoá chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU là 0,1ppm, nhưng Uỷ ban Châu Âu EC đang kiến nghị áp dụng MRLs cho phép chỉ là 0,05ppm. Và theo phân tích của Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) thì 799 mẫu hạt tiêu đen nhập vào EU năm 2016 thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng tối đa cho phép dưới 0,05ppm.

Nếu tình hình sản xuất hồ tiêu vẫn như 2016 thì đồng nghĩa với việc năm 2017 sẽ có thể có tới trên 80% hạt tiêu của Việt Nam khó có cơ hội vào được thị trường Châu Âu - thị trường tiêu thụ xấp xỉ 40.000 tấn, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam hàng năm.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường Mỹ, vốn có tới trên 40.000 tấn hạt tiêu được nhập từ Việt Nam vài năm trở lại đây, cũng đang chuẩn bị ban hành hàng loạt qui định mới về yêu cầu chất lượng nông sản nhập khẩu trong đó có hạt tiêu.

VPA xác định, chất lượng hồ tiêu là vấn đề sống còn của ngành, nhưng với việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật với phá vỡ quy hoạch trồng tiêu có thể làm mất đi tài sản bạc tỷ này.

Việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật khiến hồ tiêu gặp khó trên thị trường xuất khẩu. Ảnh TL

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu VN đạt 179.233 tấn các loại với giá trị đạt 1,44 tỷ USD. Kết quả này tăng 34,3% về khối lượng và 12,9% về giá trị. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Pakistan (gấp 3,14 lần), Philippines (gấp 3 lần), Hoa Kỳ (31,3%), Ai Cập (23,2%), Tây Ban Nha (14%) và Ấn Độ (12%).

Mỹ Lan