Thanh Hóa: 1 trong 6 tỉnh thành tham gia dự án 'khủng'
Tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề xuất dự án 'Thực phẩm nông nghiệp an toàn tại Việt Nam', vay vốn Ngân hàng Thế giới.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã tham dự hội nghị.
Theo báo cáo, dự án "Thực phẩm nông nghiệp an toàn tại Việt Nam", vay vốn Ngân hàng Thế giới dự kiến được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến 2027 với mục tiêu cải thiện hệ thống và cơ sở hạ tầng về quản lý an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Tổng vốn dự kiến của dự án là 343,48 triệu USD bao gồm vay ưu đãi là 211,7 triệu USD (chiếm 61,6%), vốn không hoàn lại 6 triệu USD từ nguồn JDF, Chính phủ Newzealand và IFC, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (chiếm 1,75%), đối ứng trong nước là 40,36 triệu USD (chiếm 11,8%) và vốn tư nhân 85,42 triệu USD (chiếm 24,9%).
Là 1 trong 6 tỉnh, thành tham gia dự án tỉnh Thanh Hóa cùng với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông, thủy sản.
Trong đó, tỉnh Thanh Hóa đề xuất 4 nội dung đầu tư: Cơ sở hạ tầng cho sản xuất, cơ sở hạ tầng cho chế biến, cơ sở hạ tầng cho tiêu thụ sản phẩm, đào tạo cán bộ, nâng cao hệ thống giám sát.
Với tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 25,85 triệu USD. Trong đó, vốn vay ưu đãi là 22,58 triệu USD vốn đối ứng là 3,27 triệu USD.
Phát biểu, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nói: Dự án đóng vai trò rất quan trọng. Dự án không những bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân mà còn tạo tạo nền móng xây dựng nền thực phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Xử lý tồn đọng về đất đai tại Công ty Cao su Thanh Hoá
Trong ngày 9/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang còn chủ trì hội nghị báo cáo kết quả kiểm tra tình hình sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hoá trên địa bàn các huyện Thạch Thành, Như Xuân, Cẩm Thuỷ, Lang Chánh.
Qua kiểm tra, rà soát đã cho thấy nhiều tồn tại, sai phạm về sử dụng đất. Trong đó, diện tích đất bị lấn chiếm là 1728 ha, chồng lấn trên 20 ha.
Tại hội nghị, ông Lê Đức Giang đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương và Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thanh Hoá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu trước ngày 30/8, Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thanh Hoá phải lập xong phương án sử dụng đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này, nếu không hoàn thành trước thời gian trên thì phải có văn bản nêu rõ lý do gửi UBND tỉnh Thanh Hoá và Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN.
Đồng thời, yêu cầu Công ty làm văn bản báo cáo với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao lại 300 ha đất do công ty đang quản lý ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) để đầu tư xây dựng khu tái định cư dự án hồ chứa nước Bản Mồng trước ngày 25/7.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá tổ chức thẩm tra, thẩm định phương án sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hoá, hoàn thành trước ngày 15/9. Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc và báo cáo với UBND tỉnh Thanh Hoá về việc xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn.
Đặc biệt, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu lãnh đạo các huyện Thạch Thành, Như Xuân, Cẩm Thuỷ, Lang Chánh thành lập tổ công tác để làm việc với Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hoá để giải quyết căn cơ các khó khăn, vướng mắc, sau đó có báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này trước ngày 15/8.