dd/mm/yyyy

PCT UBND tỉnh Lê Đức Giang: “Thanh Hóa phấn đấu tới ngày 20/4 sẽ công bố hết dịch viêm da nổi cục trên trâu bò”

Dù là bệnh mới, vaccine phải chờ Bộ NNPTNT nhập khẩu từ nước ngoài nhưng với nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, kinh nghiệm và thần tốc, Thanh Hóa phấn đấu ngày 20/4 tới sẽ công bố hết dịch viêm da nổi cục trên trâu bò.

Quyết liệt, thần tốc

Triển khai, kiểm tra các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, ông Lê Đức Giang - PCT UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp thị sát tại huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa). Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường đi cùng.

PCT UBND tỉnh Lê Đức Giang: “Thanh Hóa phấn đấu tới ngày 20/4 sẽ công bố hết dịch viêm da nổi cục trên trâu bò” - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cầm đèn pin kiểm tra bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tại xã Yên Lâm của huyện Yên Định.

Báo cáo với PCT tỉnh Lê Đức Giang, huyện Yên Định cho biết đã chỉ đạo thành lập 21 chốt kiểm soát dịch, bệnh trên địa bàn và các tổ kiểm soát lưu động của các xã kiểm soát vận chuyển động vật ra, vào địa bàn.

Huyện Yên Định đã triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh như dọn vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng và thuốc diệt vo ve, mòng, muỗi tại các hộ có trâu, bò bị bệnh bằng 3.000 lít hoá chất. Yên Định cũng yêu cầu nông dân có trâu, bò mắc bệnh không chăn thả, nhốt cách ly để tập trung chăm sóc, điều trị và nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò.

Tới nay, toàn huyện Yên Định có hơn 392 con bò tại trên 272 hộ gia đình mắc bệnh. Trong đó, có 8 con chết, được thực hiện tiêu huỷ theo đúng quy trình được hướng dẫn.

PCT UBND tỉnh Lê Đức Giang: “Thanh Hóa phấn đấu tới ngày 20/4 sẽ công bố hết dịch viêm da nổi cục trên trâu bò” - Ảnh 2.

Ông Lê Đức Giang lưu ý các ngành chức năng, hộ dân không chủ quan với dịch bệnh này.

PCT tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đi kiểm tra tại các xã Yên Trường, Yên Phú, Yên Lâm… và có những chỉ đạo thực tế, thậm chí chỉ ra yếu kém, hạn chế trong cách đối phó với dịch bệnh mới trên trâu bò này.

"Huyện Yên Định ta có truyền thống phát triển nông nghiệp, chăn nuôi là lĩnh vực lợi thế, nổi trội, tổng đàn trâu, bò đạt hơn 25.600 con, bằng 1/10 tổng đàn trâu bò của tỉnh. Trước dịch bệnh còn rất mới này, chúng ta không lúng túng, quyết liệt, thần tốc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đúng quy trình, ngay từ số liệu báo cáo, thống kê để có căn cứ, cơ sở hoạch định giải pháp cũng cần rất chính xác" - PCT Lê Đức Giang chỉ đạo.

Theo PCT Lê Đức Giang, khi triển khai rà soát đàn trâu, bò cần cụ thể về nguồn gốc, sức khoẻ cụ thể của vật nuôi để có hướng xử lý, khoanh vùng phù hợp khi bị nhiễm bệnh. Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, UBND huyện Yên Định cần chỉ đạo thành lập và vận hành các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh cấp huyện, xã hiệu quả, tránh hình thức, chiếu lệ.

"Sở NNPTNT hỗ trợ nhân lực, vật tư cùng với huyện Yên Định thực hiện hiệu quả, thành công công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Chúng ta phấn đấu đến hết ngày 30/3 tới đây, huyện Yên Định kiểm soát được dịch bệnh, không phát sinh trâu, bò nhiễm mới để tỉnh có thể công bố hết dịch viêm da nổi cục trên trâu bò từ ngày 20/4 tới".

Chung tay vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Trước đó, sau khi lắng nghe báo cáo tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn và các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang chỉ đạo rất rõ: "Tỉnh Thanh Hoá có tổng đàn trâu đứng thứ 2 và đàn bò đứng thứ 5 cả nước. Do vậy, cần phải xác định đây là dịch bệnh mới nhưng rất nguy hiểm. Để khống chế lây lan dịch bệnh, đề nghị thành viên Ban chỉ đạo, các sở, ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Khẩn trương kiểm tra thực tế các chốt kiểm soát và công tác phòng, chống dịch bệnh tại các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Hoằng Hoá và thị xã Nghi Sơn để có biện pháp đôn đốc, chỉ đạo kịp thời. Công an, Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát hoạt động vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Quản lý chặt chẽ công tác con giống trên địa bàn, bảo đảm giống khi đưa vào chăn nuôi phải đầy đủ các yêu cầu kiểm dịch thú y".

PCT UBND tỉnh Lê Đức Giang: “Thanh Hóa phấn đấu tới ngày 20/4 sẽ công bố hết dịch viêm da nổi cục trên trâu bò” - Ảnh 3.

Chỉ đạo của PCT tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: “Huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, gia đình giữ gia đình”

"Yêu cầu các địa phương rà soát tổng đàn trâu, bò, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc với phương châm: "huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, gia đình giữ gia đình"; duy trì báo cáo hằng ngày về diễn biến tình hình dịch bệnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" - PCT Lê Đức Giang.

"Hết sức khẩn trương, thần tốc, quyết liệt, bằng nhiều biện pháp phấn đấu tới ngày 20/4, Thanh Hóa công bố hết dịch viêm da nổi cục trên trâu bò" - PCT Lê Đức Giang.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xảy ra tại 342 hộ chăn nuôi tại 55 thôn, 18 xã của các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Hoằng Hoá và thị xã Nghi Sơn... Tổng số trâu, bò mắc bệnh là trên 470 con, trong đó đã tiêu huỷ 6 con. Ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan hữu quan đã thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; phân công cán bộ chuyên môn trực tiếp bám sát địa bàn để kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện phun tiêu độc, khử trùng 21.000 lít, vôi bột 3 tấn, 2.235 lít thuốc diệt côn trùng, muỗi…Thế nhưng hiện nay, do lực lượng thú y cơ sở còn thiếu, hạn chế về chuyên môn, bệnh mới nên vaccine phòng bệnh phải nhập khẩu, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch còn gặp nhiều khó khăn.

PV BMT