Nằm sát thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương), “vườn táo các cụ” thuộc địa phận thôn Đông Thành, xã Bình Minh từ lâu đã trở thành địa điểm giải trí của nhiều người, mang lại thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày cho chủ vườn.
Mô hình nhà vườn cây ăn trái không xa lạ gì với du khách khi đến với miền Tây Nam Bộ. Nhưng chưa được nhân rộng ở miền Bắc do đặc thù đồng đất khác với khu vực Tây Nam Bộ. Mặt khác do văn hóa và tập quán canh tác cũng dẫn đến việc triển khai mô hình này ở nhiều nơi còn chưa hiệu quả. Tuy nhiên, tại xã Bình Minh có một vườn táo mở cửa từ tháng 10 đến khoảng tháng Giêng hàng năm đã thu hút đông khách tham quan với giá vé 15.000 đồng/lượt.
Theo bà Hà Thị Sáu, chủ vườn táo thì toàn bộ khu vườn có diện tích hơn 2 mẫu với khoảng 300 gốc táo, chủ yếu là táo chua. Trước kia, gia đình bà vẫn thu hoạch táo mang đi bán ở chợ, tuy nhiên phần vì diện tích vườn rộng, phần vì khách đến mua thích thú, muốn vào tham quan và tự tay hái táo nên bà quyết định mở cửa vườn táo, bán vé cho khách vào tham quan, ăn quả.
Không chỉ không phải sớm khuya thu hoạch táo, rong ruổi mang đi bán mà mở cửa vườn cho khách vào cho thu nhập cao hơn nhiều. Mỗi ngày, vườn táo đón từ 200 - 300 lượt khách, ngày nghỉ, dịp lễ lên đến 500 người. Bởi vậy mà từ hơn 10 năm nay, bà Sáu không phải hái táo mang ra chợ bán nữa. Giải thích cho tên gọi của khu vườn, bà Sáu cho biết: Bởi các gốc táo có tuổi thọ gần 40 năm, do ông bà tôi trồng từ năm 1979, qua ba thế hệ vẫn giữ gìn, chăm sóc nên được gọi là “vườn táo các cụ”. Khách đến vườn chủ yếu là học sinh, sinh viên, dịp cuối tuần cũng có cả gia đình đến. Không chỉ trong xã, các xã lân cận mà khách ở các huyện khác cũng tìm đến, dịp tết dương lịch, vườn táo thu hút cả khách nước ngoài đến tham quan.
Cũng theo chủ vườn, mở cửa trong 3 - 4 tháng, doanh thu từ 3 - 5 triệu đồng/ngày, sau khi hết mùa táo, chủ vườn tiến hành cưa chặt toàn bộ số cành táo, chăm bón, cải tạo lại vườn để chuẩn bị cho một vụ mới. Khách đến vườn chỉ được hái táo ăn tại chỗ, nếu muốn hái mang về thì phải mua theo giá thị trường. Ngoài táo, chủ vườn cũng cung cấp các loại nước uống, đồ ăn vặt; tổ chức trò chơi ném bóng trúng thưởng cho khách tham quan vui chơi tại vườn.
Chúng tôi đến vườn vào một chiều thứ bảy, bãi xe có khoảng hơn chục chiếc xe máy, hàng chục lượt bạn trẻ thành từng nhóm tíu tít mua vé vào vườn. Bạn Cao Thùy Linh, thành phố Thái Bình cho biết: Em biết đến vườn táo này qua sự giới thiệu của bạn bè. Lần đầu tiên đến với vườn táo nhưng em cảm nhận không khí ở đây rất vui, chụp được nhiều ảnh đẹp. Sống ở thành phố không có không gian thoáng đãng, thư giãn như ở đây, đây là một trải nghiệm thú vị mà về nhà em sẽ chia sẻ với bạn bè của mình.
Sống cách vườn táo không xa và từng đến vườn táo nhiều lần nhưng bạn Vũ Văn Hà, xã An Bồi (Kiến Xương) vẫn thường cùng bạn bè ghé thăm vườn táo mỗi dịp cuối tuần. Hà cho biết: Khi mua vé, mỗi người sẽ được tặng kèm một túi muối ớt, vào vườn ăn thỏa thích. Vừa được vui chơi, chụp ảnh lại vừa được ăn táo sạch do chính tay mình hái, em cũng như bạn bè em rất thích thú với mô hình du lịch sinh thái vườn này
Phát triển du lịch gắn với tiềm năng nông nghiệp, nông thôn như du lịch trải nghiệm đồng quê, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh và di tích lịch sử là một trong năm hướng đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.