dd/mm/yyyy

Thái Bình: Nuôi loài tai dài, lông trắng muốt có nguồn gốc từ Mỹ, nữ nông dân lãi 500 triệu đồng/năm

Sau nhiểu lần thất bại với chăn nuôi lợn, lươn và ngan, chị Đỗ Thị Thúy, thôn Xuân Thọ, xã Đông Cường, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã quyết định chuyển sang nuôi giống thỏ New Zealand, nhờ nuôi loài tai dài, đẻ khỏe này mà chị Thúy đã có thu nhập 500 triệu đồng/năm.

Chị Thúy cho biết, bắt đầu chăn nuôi lợn từ năm 2015, thường xuyên duy trì khoảng 200 con. Nhưng mấy năm trở lại đây, nuôi lợn bấp bênh, năm thì dịch bệnh, năm thì mất giá. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã làm điêu đứng, không biết gỡ gạc, xoay sở đồng vốn thế nào. Ngay sau đó, chuyển sang nuôi lươn nhưng cũng thất bại vì không phù hợp môi trường, nuôi ngan thì do dịch bệnh nên chết nhiều. "Thời điểm đó, thực sự chán nản, nhưng cũng không thể để chuồng trại bỏ trống mãi được".

Thái Bình: Nuôi loài tai dài, lông trắng muốt có nguồn gốc từ Mỹ, nữ nông dân lãi 500 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Buồn rầu, chán nản nhưng không bỏ cuộc, qua tìm hiểu trên mạng internet, chị Thúy nhận thấy giống thỏ New Zealand là loài dễ nuôi, chăm sóc đơn giản, mà xoay vòng đồng vốn nhanh. Nghĩ là làm, tận dụng chuồng trại sẵn có chị đã mạnh dạn đầu tư con giống để nuôi thỏ thương phẩm.

Hiện, chị Thúy có diện tích 500m2 nuôi giống thỏ New Zealand, mặc dù diện tích không phải quá lớn nhưng nhưng chị lại có cách sắp xếp, quy hoạch một cách hiện đại, sạch sẽ.

Chia sẻ với PV, chị Thúy nói: "Bước đầu tiên, làm mô hình phải đầu tư thử nghiệm, sửa chữa, xây dựng rồi đến phát triển. Hai vợ chồng đi tìm đến những mô hình nuôi thỏ nổi tiếng, thành công ở huyện Tam Điệp (Ninh Bình) vừa tham quan, học hỏi cách nuôi, kinh nghiệm chăm sóc mang về áp dụng kĩ thuật nuôi cho gia đình".

Thái Bình: Nuôi loài tai dài, lông trắng muốt có nguồn gốc từ Mỹ, nữ nông dân lãi 500 triệu đồng/năm - Ảnh 2.

Theo chị Thúy, giống thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, vóc dáng lớn, sinh sản đều, thịt thơm ngon, dễ chăm sóc. Thỏ thương phẩm đạt trọng lượng cao từ 2,2 – 2,5 kg/con".

Vì mới thua lỗ vụ lợn và ngan, lươn trước đó, đồng vốn đã cạn kiệt nên để giảm thiểu chi phí chị Thúy trực tiếp làm tất cả mọi việc từ chăm sóc đến khám, chữa bệnh cho thỏ. Năm 2019, nuôi thử nghiệm 60 con, trong đó có 30 con đực, 30 con cái. Hiện tại, số lượng trong chuồng đã nhân lên thành 2.000 con, trong đó 200 thỏ sinh sản.

Thái Bình: Nuôi loài tai dài, lông trắng muốt có nguồn gốc từ Mỹ, nữ nông dân lãi 500 triệu đồng/năm - Ảnh 3.

Chị Thúy cho hay, cách sắp xếp chuồng trại hợp lý, khoa học là yếu tố bản lề đưa đến mô hình gặt hái nhiều thành công. Theo đó, chuồng trại được chia thành 3 khu riêng biệt, lớn nhất là khu nuôi thỏ sinh sản, khu thứ hai nuôi thỏ con và khu chăm thỏ đực. Bên cạnh đó, tận dụng nguồn thức ăn dư thừa, phân chuồng thải ra, được thu gọn ủ làm phân bón ruộng.

Thỏ là giống sức đề kháng yếu, nên công việc vệ sinh nuôi được chị Thúy chú trọng, hằng ngày thường xuyên rửa chuồng trại ít nhất 1 lần/ngày và sử dụng nước sạch cho thỏ uống, thức ăn đạt đủ tiêu chuẩn. Điều kiện thích nghi lý tưởng tốt nhất của cho thỏ từ 23 - 28 độ C, độ ẩm thích hợp 70 - 75%, nuôi trong môi trường này, ít bị dịch bệnh, sức đề kháng tốt, nhân giống nhanh.

Từ ngày nuôi đến giờ, điều làm chị Thúy lo lắng nhất là mỗi khi thỏ bị bệnh đi ngoài, bởi một khi đã bị bệnh thì rất khó chữa, đa phần sẽ chết. Để khắc phục tình trạng đó, chị Thúy luôn chủ động biện pháp phòng hơn chữa bệnh.

"Để thỏ sinh trưởng, phát triển tốt, tôi luôn chú trọng phòng bệnh, tăng cường vitamin để tăng sức đề kháng cho thỏ. Dành thời gian quan sát, kiểm tra đàn thỏ hằng ngày nếu thấy thỏ có biểu hiện bị bệnh, kém ăn, mệt mỏi, phải tách đàn để chăm sóc riêng", chị Thúy nói.

Thái Bình: Nuôi loài tai dài, lông trắng muốt có nguồn gốc từ Mỹ, nữ nông dân lãi 500 triệu đồng/năm - Ảnh 4.

Mỗi con thỏ từ khi đẻ ra đến xuất chuồng là 3 tháng 10 ngày với mùa nắng nóng, còn mùa lạnh thì khoảng 3 tháng. Với đàn thỏ 2.000 con, trung bình mỗi tháng, chị Thúy xuất bán được 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 tạ.

"Khi mới chăn nuôi, áp lực lớn nhất của tôi là nguồn đầu ra. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại đã không phải lo lắng nữa vì luôn có các thương lái đến tận nhà thu mua với giá trung bình từ 70.000 - 80.000 đồng/kg", chị Thúy chia sẻ.

Thái Bình: Nuôi loài tai dài, lông trắng muốt có nguồn gốc từ Mỹ, nữ nông dân lãi 500 triệu đồng/năm - Ảnh 5.

Chia sẻ với PV, chị Thúy cho biết, thỏ New Zealand là giống rất "mắn" đẻ, trung bình một con đẻ từ 7 - 8 lứa/năm, một lứa có từ 6 - 7 con, thậm chí 10 - 12 con. Với quy mô 200 con thỏ sinh sản, một năm trang trại có thể nhân lên gần 1.000 con thỏ giống.

Để đảm bảo được nhiệt độ, môi trường sinh trưởng của thỏ, chị Thúy đầu tư giàn lạnh 2 đầu, 2 quạt hút gió, khử mùi chuồng trại. Mùa đông thì có đèn sưởi ấm để tăng cường sức đề kháng cho thỏ.

Thái Bình: Nuôi loài tai dài, lông trắng muốt có nguồn gốc từ Mỹ, nữ nông dân lãi 500 triệu đồng/năm - Ảnh 6.

Chị Thúy tiết lộ, so với chăn gà, lợn thì nuôi thỏ nhàn hơn, mỗi ngày cho ăn 2 bữa sáng và chiều. Lượng thức ăn 0.7kg cám/ngày, ngoài ra ăn thêm rau xanh, củ cải, cà rốt. Năm 2020, sau khi trừ đi toàn bộ chi phí chị thu lãi về 500 triệu đồng, tính ra thu nhập mỗi tháng "đều như vắt chanh" khoảng 40 triệu đồng.

"Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bùng phát lại, thỏ thương phẩm cũng giảm sút từ 5 - 10 giá, thị trường tiêu thụ khó khăn hơn so với năm trước, nhưng đây cũng là khó khăn chung của những người chăn nuôi", chị Thúy chia sẻ.

Bình Minh - Tô Thương