Nhiều tuyến đường ở Tam Đường bị sạt lở do mưa lớn
Nằm ở cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, huyện Tam Đường có cấu trúc địa lý phức tạp, núi đất xen kẽ núi đá vôi và hệ thống sông suối dày đặc nên nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vào mùa mưa là rất lớn. Thực tế cho thấy, từ đầu mùa mưa đến nay, trên các tuyến đường trong huyện thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Phạm Văn Hiểu – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường, cho biết: Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, trên địa bàn huyện Tam Đường liên tiếp xảy ra mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to kéo dài, gây thiệt hại một số công trình công cộng, đất sản xuất, nhà ở của một số hộ gia đình trên địa bàn huyện.
Theo ông Hiểu, chỉ tính từ ngày 29/7 đến ngày 1/8, mưa lớn đã gây sạt lở tại các xã: Thèn Sin, Tả Lèng, Giang Ma (Tam Đường), tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 490 triệu đồng. Đặc biệt, tuyến đường Thèn Sin (Tam Đường) đi Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) bị sạt lở nghiêm trong do mưa lớn gây ra. Trên tuyến đường này có tới gần 30 điểm sạt lở lớn, nhỏ, riêng vị trí Km10+82 đến Km10+157 hiện vùi lấp toàn bộ mặt đường.
Mưa lớn còn gây sạt lở khoảng 10.600m2 ruộng lúa ở các xã Thèn Sin, Giang Ma; trong đó làm mất hoàn toàn khoảng 5.000m2 ruộng lúa ở bản Pan Khèo (Thèn Sin), ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Một số nhà ở của người dân ở bản Thèn Sin 2 (Thèn Sin) và bản Hồ Pên (Tả Lèng) bị sạt lở ta luy dương vào sau nhà, ảnh hưởng đến đời sống của bà con.
Qua câu chuyện với ông Hiểu, được biết: Ngay sau khi xảy ra thiên tai, UBND huyện Tam Đường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ và khẩn trương khắc phục hậu quả. Mặt khác, huyện Tam Đường chỉ đạo các xã: Thèn Sin, Tả Lèng, Giang Ma chủ động hót sụt, sạt trong thời gian sớm nhất, đảm bảo giao thông, đi lại cho người dân.
Tăng cường các biện pháp ứng phó với mưa lũ, sạt lở
"Nhờ chủ động các biện pháp ứng phó, nhất là thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ", các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức khắc phục hiệu quả các điểm sạt lở đất đá, đảm bảo giao thông, đi lại cho người dân. Khi xảy ra sạt lở, các xã đã huy động máy móc, người dân địa phương, tổ chức hót sụt, sạt. Nhờ đó, các tuyến đường xảy ra sạt lở, không bị ách tắc kéo dài" – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường, cho hay.
Với phương châm ''Chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả'', Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tam Đường chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần tại chỗ) khi có các tình huống thiên tai xảy ra. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống, ứng phó với thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cho người dân. Các xã, thị trấn trong huyện có kế hoạch dự phòng đầy đủ vật tư nông nghiệp, vật tư y tế, vật liệu xây dựng, phương tiện, lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết nhằm đảm bảo ứng cứu, hỗ trợ kịp thời khi xảy ra mưa lũ, sạt lở, ách tắc giao thông.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, mưa lũ trên địa bàn, huyện Tam Đường đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tam Đường đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức trực 24/24h để nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời với Ban Chỉ huy đề ra phương án ứng cứu cụ thể khi xảy ra mưa lũ. Trên cơ sở các công điện, chỉ thị của UBND tỉnh Lai Châu, UBND huyện Tam Đường cũng ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn bám, nắm tình hình, tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền cảnh báo đến người dân diễn biến tình hình thời tiết và tăng cường các biện pháp phòng chống mưa đá, gió lốc, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.