dd/mm/yyyy

Sơn La: Rà soát khu vực xung yếu, chủ động phòng chống mưa lũ, sạt lở đất đá

Để chủ động ứng phó với đợt mưa lớn sắp tới, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) đã kiểm tra, rà soát khu dân cư, khu vực thấp, trũng, ven suối có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...

Thành phố Sơn La rà soát khu vực xung yếu, chủ động phòng chống mưa lũ, sạt lở đất đá

Rà soát khu vực xung yếu chủ động phòng chống mưa lũ

Theo Bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La, từ chiều tối ngày 28/7 đến ngày 01/8/2024, trên địa bàn tỉnh Sơn La có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. 

Để chủ động ứng phó mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư và đảm bảo an toàn về người và tài sản, thành phố Sơn La đã tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp, trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Khẩn trương tiến hành các biện pháp khắc phục. Sẵn sàng di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Sơn La: Rà soát khu vực xung yếu, chủ động phòng chống mưa lũ, sạt lở đất đá- Ảnh 1.

Lãnh đạo Thành phố Sơn La (Sơn La) kiểm tra điểm thoát nước tại Tổ 3, phường Quyết Thắng. Ảnh: Văn Ngọc

Theo thông tin từ lãnh đạo Phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La (Sơn La), để chủ động phòng chống mưa lớn, ngập úng cục bộ trên địa bàn, các phòng ban chuyên môn của thành phố Sơn La đã phối hợp với UBND phường rà soát các điểm sung yếu, khu vực thấp, trũng, ven suối để chủ động các phương án phòng chống. Đặc biệt tại khu vực suối đi qua tổ 1, 3, khu vực ngã tư Quyết Thắng bản Buổn. Các điểm gây ùn tắc, cản trở thoát được lũ cũng đang được tiến hành xử lý.

Tại phường Quyết Thắng, các điểm xung yếu, khu vực thấp, có nguy cơ ngập lụt, thành phố Sơn La cũng đang triển khai các phương án để phòng chống, cũng như khơi thông các điểm tác nghén như: khu tổ 3, đường Trường Chinh, ngã tư xe khách, ngã tư cầu Trắng,...

Sơn La: Rà soát khu vực xung yếu, chủ động phòng chống mưa lũ, sạt lở đất đá- Ảnh 2.

Thành phố Sơn La (Sơn La) tiến hành xử lý "điểm đen", gây cản trở việc thoát lũ tại con suối đi qua phường Chiềng Cơi trước đợt mưa lớn. Ảnh: Văn Ngọc

Khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân

Cũng trong sáng nay, ngày 27/7, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cũng đã chủ trì cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan và UBND Thành phố, họp bàn các giải pháp khắc phục thiên tai trên địa bàn thành phố Sơn La.

Từ ngày 23-25/7, tại thành phố Sơn La xảy ra mưa rất to, gây ra lũ, làm ách tắc giao thông cục bộ nhiều nơi, ngập úng hàng trăm ha lúa, hoa màu, tài sản và nhà cửa của nhân dân... tổng giá trị thiệt hại gần 100 tỷ đồng.

Sơn La: Rà soát khu vực xung yếu, chủ động phòng chống mưa lũ, sạt lở đất đá- Ảnh 3.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, thành phố Sơn La tổng thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Đến chiều 26/7, tại bản Phứa Cón (phường Chiềng An), điểm Phiêng Nghè (xã Chiềng Đen) và bản Sẳng, khu vực hồ Bom Bay (xã Chiềng Xôm) vẫn đang ngập sâu; có khoảng 60 hộ dân bị ảnh hưởng và thiệt hại nhiều diện tích lúa, ngô, hoa màu của nông dân. 30 hộ dân tại bản Panh, xã Chiềng Xôm và bản Co Phung, xã Chiềng Ngần nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, cần di dời khẩn cấp.

Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh họp bàn đưa ra giải pháp về việc định cư các hộ dân phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất; đẩy nhanh tiến độ các công trình thoát lũ đang triển khai; giải pháp tiêu úng, thoát lũ; đảm bảo công tác giao thông tại các tuyến đường nội thành, tuyến tránh Thành phố.

Sơn La: Rà soát khu vực xung yếu, chủ động phòng chống mưa lũ, sạt lở đất đá- Ảnh 4.

Các lực lượng chức năng hỗ trợ nhà dân di dời tài sản. Ảnh: Văn Ngọc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành của tỉnh khẩn trương phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chống sạt lở đất tại các điểm có nguy cơ cao; giải pháp chống ngập úng tại các điểm trũng thấp, tiêu úng, thoát lũ cho các điểm có nguy cơ ngập úng.

Đồng thời, giao UBND Thành phố chỉ đạo các xã, phường bố trí lực lượng trực 24/24 theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Phối hợp với Sở NN&PTNT khắc phục sạt lở, tính toán cung trượt, xác định khu tái định cư cho nhân dân bản Panh, xã Chiềng Xôm. Các sở, ngành của tỉnh cần cân đối vốn, đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư, di chuyển ổn định đời sống nhân dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố Sơn La, mưa lũ làm 854 nhà ở sạt lở, ngập úng; trên 267 ha lúa, ngô, hoa màu ngập úng; gần 4.000 con gia súc, gia cầm cuốn trôi; 39.58 ha ao cá ảnh hưởng; 555m đường giao thông sạt lở, hư hỏng; 115 xe ô tô, xe máy, xe điện, 10 tấn gạo, cùng nhiều tài sản khác ngập nước, hư hỏng... Tổng thiệt hại ước tính trên 94 tỷ đồng.


Văn Ngọc