Sữa sau khi chế biến, được bảo quản nghiêm ngặt để vận chuyển ra thị trường.
Công nghệ tạo nên chất lượng
Có mặt tại Nhà máy chế biến sữa thuộc Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, chúng tôi cảm nhận rõ không khí làm việc hăng say và khẩn trương ở nơi đây. Những công nhân kỹ thuật chăm chú quan sát, điều khiển hệ thống dây chuyền tự động chế biến sữa. Còn nhóm nữ công nhân trẻ thì đang thoăn thoắt xếp những hộp sữa thành phẩm vào thùng... Tất cả các quy trình sản xuất sữa tại Nhà máy đều theo một dây chuyền với thiết bị hiện đại, tự động, khép kín, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.
Đàn bò sữa được nuôi tại các trang trại theo mô hình khép kín.
Ông Phạm Hải Nam, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, cho biết: Hiện nay, Công ty có tổng đàn là 23.066 con bò, bê được nuôi ở 658 hộ chăn nuôi. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty luôn thực hiện sản xuất theo chuỗi khép kín, từ khâu chăn nuôi tạo nguồn sữa nguyên liệu đến khâu chế biến ra các sản phẩm sữa và xuất ra thị trường tiêu dùng. Sau đó các lợi nhuận thu được, lại được Công ty đầu tư trở lại cho chăn nuôi bò sữa, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ, phát triển bền vững.
Hệ thống trang thiết bị sản xuất sữa Mộc Châu tiên tiến hiện đại, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm sữa cho người tiêu dùng.
Theo ông Nam, để nâng cao chất lượng, sữa bò phải được làm ngay từ khâu chọn con giống, chăm sóc cho bò sữa. Một trong những khâu quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa bò chính là khẩu phần ăn cho bò trong thời gian cho sữa, nó quyết định đến khả năng tiết sữa. Khẩu phần này phải đảm bảo chất lượng, đủ dinh dưỡng được tổng hợp từ nhiều loại thức ăn như: Thức ăn tinh, xanh, ủ ướp... Từ khâu chăn nuôi tạo vùng sản xuất sữa nguyên liệu đến khâu chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý nguồn gốc đàn bò, vệ sinh chăn nuôi thú y, sản xuất thức ăn, vệ sinh khai thác sữa… đều tuân quy định theo tiêu chuẩn VietGap.
Trao cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất
Để sản phẩm sữa có chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng, nguồn gốc sữa đều được Công ty kiểm duyệt chặt chẽ, giám sát thường xuyên, kiểm tra sữa tươi nguyên liệu trực tiếp tại các hộ gia đình. Chính vì vậy khâu kiểm duyệt luôn đảm bảo tiêu chuẩn nguyên liệu khi đưa về nhà máy.
Sản phẩm sữa được sản xuất theo chuỗi khép kín, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, mỗi năm Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu phối hợp với các quan kiểm định, tổ chức đánh giá chất lượng công tác chăn nuôi ở các hộ. Đồng thời, thường xuyên hỗ trợ các hộ gia đình về công tác khuyến nông, tư vấn dịch vụ kỹ thuật, hỗ trợ thức ăn và chính sách thưởng các hộ sản xuất ra sữa có chất lượng tốt.
Sữa tươi từ hộ nuôi bò sữa sau khi vắt được nhanh chóng đưa đến các trạm thu mua để đảm bảo thời gian từ lúc sữa được vắt ra ngoài đến lúc được chứa trong hệ thống bảo quản lạnh không quá 1 giờ đồng hồ. Trạm thu mua sữa được đặt tại các khu vực có đông hộ nuôi bò sữa, thuận tiện cho bà con chuyên chở sữa tươi, đảm bảo được thời gian bảo quản sữa.
Các loại sản phẩm sữa Mộc Châu được người tiêu dùng khắp cả nước ưa chuộng, tin dùng.
Tại trạm thu mua, cán bộ kiểm tra chất lượng sản phẩm của nhà máy sẽ kiểm tra chất lượng sữa nguyên liệu tại chỗ, xem có đạt tiêu chuẩn hay không? Nếu trường hợp sữa tạp hoặc của cá thể bò bị ốm thì ngay lập tức dừng thu mua. Sữa đạt yêu cầu sẽ được đưa vào bảo quản lạnh tại trạm thu mua từ 20 độ C - 40 độ C rồi chở về Nhà máy ngay trong ngày.
Do đó, để sữa đạt chất lượng, bò của hộ nuôi cần được chăm sóc đúng kỹ thuật, khẩu phần đầy đủ, đúng phương pháp, sức khỏe tốt, chuồng trại sạch sẽ thoáng mát và áp dụng đúng kỹ thuật quy trình khai thác sữa.
Cảnh quan nhà máy sữa luôn được đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát
Hiện nay việc phát triển ngành chăn nuôi bò sữa không chỉ giúp người dân làm giàu mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Thực tế cho thấy ngành chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu đang tạo ra chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với nông dân trồng trọt, cụ thể như mở rộng vùng thu mua sản phẩm ngô, cỏ cho nhiều hộ nông dân, làm nguồn thức ăn cho bò sữa, góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương.